S.B.Yudhoyono: Đơn giản, tôi là SBY!

28/09/2004 22:44 GMT+7

Đánh bại tướng Wiranto, bỏ xa bà Megawati Sukarnoputri một chặng dài, tướng bốn sao Susilo Bambang Yudhoyono gần như đã leo lên được chiếc ghế tổng thống đất nước ngàn đảo Indonesia.

Nhà hùng biện mang tên SBY

Susilo Bambang Yudhoyono hấp dẫn dân chúng Indonesia bằng hình ảnh của một trang nam nhi coi trời bằng vung, một nhà hùng biện cừ khôi và một thương gia xuất sắc trong suốt thời gian khủng hoảng tài chính ở châu Á. Thế giới bên ngoài bắt đầu biết đến ông trong vai trò chỉ huy lực lượng chống khủng bố sau vụ đánh bom đẫm máu tại đảo Bali hồi năm 2002. Phát biểu của Yudhoyono - người mà dân Indonesia quen gọi là SBY - trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân Bali được coi là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất của một chính trị gia Indonesia từ trước đến nay. Khi chiến dịch tranh cử diễn ra, người dân Indonesia vẫn chưa quên cảm xúc khi nghe bài diễn văn đó. Trong khi những người ủng hộ có thể tìm ra hàng trăm ngàn lý do để yêu mến SBY, phe chống đối lại tập trung chỉ trích tính thiếu quyết đoán của ông. Trên thực tế, SBY là một con người rất thận trọng, ông thường tham khảo ý kiến rất nhiều người trước khi quyết định một vấn đề. Budi Santoso - Chủ tịch Đảng Dân chủ - thừa nhận điều này nhưng đồng thời khẳng định SBY có thể đưa ra những ý kiến mang tính bước ngoặt trong lúc cấp bách.

"Suốt chiến dịch tranh cử, SBY có nhiều quyết định tuyệt vời. Chẳng hạn như trong khi những ứng viên khác vẫn đang loay hoay tìm kiếm "bạn đồng hành" thì SBY đã chọn được vị phó cho mình, đó là ông Jusuf Kalla" - Santoso dẫn chứng.

Con nhà tông

Sinh năm 1949 tại Đông Java, SBY là con trai của một trung úy quân đội. Chính nhờ điều này, ông có điều kiện tiếp xúc với mùi vị quân sự từ rất sớm. Năm 1973, SBY tốt nghiệp Học viện Quân sự Indonesia và sau đó 2 năm, ông đã có cơ hội khẳng định bản lĩnh khi tham gia lực lượng đặc nhiệm Indonesia tiến vào Đông Timor. Con đường thăng tiến của ông nhanh đến không ngờ. Trước khi Đông Timor tuyên bố độc lập vào năm 1999, SBY đã leo lên đến chức Chỉ huy đặc trách khu vực nóng bỏng này. Trên cương vị đó, ông chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp với tướng Wiranto, cựu Tư lệnh các lực lượng quân sự Indonesia. Sau khi Đông Timor tuyên bố độc lập, tướng Wiranto bị một tòa án tại nước này tố cáo đã gây tội ác chiến tranh trong khi SBY vô can. Sự khác biệt này chính là tiền đề khiến Wiranto trở thành một đối thủ nặng ký của SBY trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, khi cuộc đua đến những chặng quyết định, SBY đã bỏ xa Wiranto một chặng dài. Cả đương kim Tổng thống Megawati cũng phải bở hơi tai trong nỗ lực bám đuổi ông.

Chìm nổi trên chính trường

Cha của ông SBY chỉ kiếm được chiếc lon đại úy trước khi rời quân ngũ. Trong khi đó, SBY lại mang hàm tướng bốn sao, phần thưởng danh dự mà ông nhận được sau khi quyết định "treo súng" để tham gia Chính phủ Tổng thống Abdurrahaman Wahid hồi năm 2000. Người ta nói "con hơn cha, nhà có phúc" quả không sai nếu như nhìn vào hiện tại và tương lai đang rất sáng sủa của SBY. Tuy nhiên, trước khi có được một vị thế tuyệt vời như ngày hôm nay, sự nghiệp chính trị của ông đã trải qua bao phen chìm nổi. Dưới triều đại Wahid, SBY ban đầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Khai khoáng. Tiếp theo, ông được đề bạt chức Bộ trưởng An ninh và Nội chính nhưng chỉ sau đó một năm rắc rối đã tìm đến ông. Khi đối diện với những lời buộc tội, Tổng thống Wahid yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp. SBY không chấp hành và kết quả là ông phải rời chiếc ghế quyền lực của mình. Lịch sử lặp lại vào tháng 3/2004. Sau khi được tái bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng An ninh và Nội chính dưới triều bà Megawati, SBY một lần nữa phải rời nhiệm sau cuộc đấu khẩu công khai với vợ chồng nữ tổng thống. Tuy nhiên, lần ra đi này đã tạo ra một bước ngoặt tích cực cho tương lai chính trị của ông. "Dù là một nhân vật cấp cao trong nội các, SBY có vẻ như chỉ là một nạn nhân chứ không phải là một phần của chính phủ yếu kém đó" - Giám đốc Học viện Chính trị Indonesia Denny Ja phân tích. Trên thực tế, SBY đã giữ được hình ảnh đẹp đẽ của mình nhờ quyết định chia tay này.

Ngoại hình cũng là một lợi thế

Sau 2 lần bị đẩy khỏi chính phủ, SBY càng nổi bật với hình ảnh một con người đầy bản lĩnh, không sợ bất cứ điều gì và sẵn sàng hy sinh tham vọng để thực hiện điều mà mình tin tưởng. Phẩm cách này cùng với một ngoại hình khá "ăn ảnh", SBY được dân chúng xứ sở ngàn đảo đặc biệt hâm mộ. "60% dân chúng Indonesia chỉ có trình độ tiểu học nên họ không thể tìm hiểu sâu về các ứng cử viên. Nhiều người bỏ phiếu cho SBY chỉ đơn giản vì họ thấy thích" - ông Denny Ja giải thích.

Một trong những yếu tố nữa khiến tướng bốn sao giành được sự ủng hộ lớn là bởi ông luôn gần gũi dân chúng Indonesia. SBY cho biết mình đã đi từ Đông sang Tây đất nước và "tôi hiểu mỗi người dân nghĩ gì và muốn gì". Giờ đây, sau những tháng năm chìm nổi trên chính trường, Susilo Bambang Yudhoyono mà mỗi người dân Indonesia đều quen gọi là "SBY" đang đứng trước cơ hội "thăng hoa". Vấn đề cuối cùng, khi đã đến được nơi cần đến, tướng về hưu SBY sẽ làm gì để chứng minh rằng mình "hiểu mỗi người dân Indonesia nghĩ gì và muốn gì".

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.