Kỳ thi tốt nghiệp THCS và bệnh thành tích
Bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS là cuộc tranh luận đầu tiên tại phiên họp. ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nói: "Tôi không đồng ý vì không tổ chức thi thì học sinh không có động lực để học". ĐB Bùi Thị Trung Hà (Hà Nam) bổ sung: "Tôi cũng cho là nên giữ kỳ thi này, vì học xong, học sinh cần phải có tấm bằng để ghi nhận sau đó có thể học tiếp hoặc đi học nghề. Nếu bỏ ngay tôi cho là sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dạy và học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục". ĐB Hà nói tiếp: "Còn nếu bảo tổ chức kỳ thi này làm cho tâm lý căng thẳng thì theo tôi, chính là phải bỏ kỳ thi vào trung học phổ thông vì bỏ kỳ thi này đi sẽ tạo ra cạnh tranh thu hút học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường".
Người đầu tiên trong nhóm ĐB đề nghị bỏ kỳ thi THCS, bà Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói: "Tôi đề nghị bỏ do trước đây tổ chức thi là vì yêu cầu của xã hội (chỉ cần trình độ tốt nghiệp THCS), nay xã hội đã phát triển chúng ta không nên tổ chức làm gì cho tốn kém". Cũng theo bà Xinh, việc duy trì quá nhiều các kỳ thi liền nhau (tốt nghiệp THCS, thi vào phổ thông trung học) với cùng nội dung thi đã tạo ra áp lực tâm lý rất lớn cho học sinh và phụ huynh". ĐB Xinh thuyết phục: "Thi cử nhiều thầy cô cũng bị áp lực, chạy theo chỉ tiêu, dần dần tạo thành bệnh thành tích". ĐB Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) đưa ra lý lẽ thuyết phục hơn: "Chúng ta đang tiến hành phổ cập giáo dục THCS và đến năm 2008 - 2009, khi mọi công dân trong độ tuổi đều đạt kiến thức phổ cập thì việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp không còn ý nghĩa". "Các kỳ thi hiện nay cũng chỉ đơn thuần mang tính hình thức", kết luận của bà Phượng.
Đổi tên các cấp học: Tôi đồng ý - tôi không đồng ý!
ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang): "Tôi giữ quan điểm không thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)"
Theo tôi, chưa nên thông qua dự án luật này mà nếu có thông qua, nên đổi lại thành "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục" thôi và chỉ sửa ở một số điểm đã tương đối rõ và thống nhất ý kiến. Còn những vấn đề khác thì chưa nên... Dự án luật quy định theo kiểu này thì chỉ gây rối thêm và kéo lùi sự phát triển giáo dục. Tôi rất lạ là dự thảo luật lần này có tới 38 điều quy định là giao cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc làm theo quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Chúng ta đã làm ngược lại những điều chúng ta nói. Lẽ ra luật là văn bản pháp lý cao nhất, nếu cần thiết lắm Chính phủ mới có quy định hướng dẫn, nhưng thực tế luật lại đầy tính triết lý. Chúng ta không nên khoán trắng cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo như vậy. |
Nhóm đồng ý đổi tên cũng đông không kém, trong đó có Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị (Hà Nam). Ông Nghị nói: "Nếu nói rằng, chúng ta cần phải chọn cách gọi nào quen thuộc đã ăn sâu vào lòng người, dễ nhớ, dễ hiểu, không gây nhầm lẫn thì cách gọi cấp 1, 2, 3 mới là cách gọi truyền thống, hợp lý". Bộ trưởng Nghị tiếp tục: "Đúng là đổi cách gọi sẽ phát sinh chi phí. Nhưng đó là sự tốn kém chỉ diễn ra một lần để được cái lợi, cái tiết kiệm lâu dài. Nếu đổi cách gọi, từ nay trở đi, từ nói, đọc, viết, đánh máy, trình bày... tức là mọi việc liên quan đến tên gọi sẽ ngắn gọn rất nhiều". Cũng theo quan điểm của Bộ trưởng Nghị thì việc thay đổi cách gọi này (trở về tên gọi cũ) là một sự dũng cảm, thể hiện thái độ cầu thị giống như "chúng ta đã chẳng từng dám kiên quyết bỏ kiểu chữ được mệnh danh là cải cách quay trở lại với kiểu chữ truyền thống mà ai cũng thấy như thế mới đúng".
"Nhiều lý lẽ làm chúng tôi xúc động"
"Chốt" lại các cuộc tranh luận, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nói: "Lý lẽ của các ĐB rất sắc sảo. Có nhiều ý mà chúng tôi ngồi trên này cũng thấy xúc động. Thật lòng đấy". Tuy nhiên, theo ông, "lý lẽ xác đáng nhất thì phải là lý lẽ khi về địa phương thì thuyết phục được cử tri mà về nhà thì thuyết phục được vợ chồng, con cái". Chủ tịch QH đặt câu hỏi: lý lẽ muốn giữ tên gọi các cấp học như cũ là "cấp 1, cấp 2, cấp 3" do cách gọi hiện hành: "tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông" là "không quen và dễ làm lẫn" có thuyết phục không?". Ông tự trả lời: "Vì không quen mà trở về như cũ cũng không phải". Theo Chủ tịch, lý lẽ giữ như hiện nay là "sắc sảo" vì thực chất, nếu có thay đổi cách gọi hiện hành thì không thay đổi nội dung và bản chất các điều luật" và hơn nữa, nó "phù hợp với thông lệ quốc tế". Về vấn đề bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, theo Chủ tịch QH, một số ĐB bảo "học là phải thi", nhưng theo ông, "thi như thế nào lại là một vấn đề nữa". Vì rằng, theo Chủ tịch, "việc bãi bỏ kỳ thi này không phải là coi nhẹ mà cùng là bậc học về phổ thông nhưng học sinh vừa thi xong trung học cơ sở lại phải thi trung học phổ thông - 2 lần thi như vậy là không phù hợp với lứa tuổi và tâm sinh lý của học sinh". Tuy nhiên, theo Chủ tịch, QH vẫn cần phải "bàn nát lý sự”.
Cho đến cuối ngày, mặc dù đã có tới 36 ĐB đóng góp ý kiến nhưng vẫn còn có hàng chục ý kiến ĐB khác muốn tham gia tranh luận. Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã đề nghị, QH có thể bàn tiếp dự án luật này vào tối thứ hai và tối thứ ba tuần sau. Tuy nhiên, cuối cùng QH đã chọn phương án biểu quyết: phương án 1 là các ĐB có ý kiến sẽ gửi ý kiến bằng văn bản của mình cho Đoàn Chủ tịch và Ban soạn thảo để tiếp thu; phương án 2 là QH sẽ "làm thêm buổi tối". 300 ĐB đã bấm phím điện tử đồng ý phương án 1 (60,73% số ĐB có mặt).
Một chương trình học nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa:
ĐB Nguyễn Nghiễm (Bình Phước): "Nhiều bộ sách giáo khoa là cần thiết và là tư duy mới trong giáo dục"
GS-TS Nguyễn Lân Dũng (ĐB tỉnh Đắk Nông): "Các nước làm từ lâu rồi"
"Chương trình SGK theo Luật Giáo dục hiện hành có một bộ SGK thống nhất mà SGK đã loạn rồi, tính riêng năm 2004, theo thống kê, bình quân mỗi lớp có 200 đầu sách, trong đó SGK là 60, còn lại là sách tham khảo. Bây giờ, nếu một chương trình, nhiều bộ SGK thì tôi không thể tưởng tượng nó sẽ loạn đến mức độ nào? Điều đó sẽ gây áp lực rất lớn cho người học. Rồi nhiều bộ SGK giao Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chọn lựa cho địa phương mình. Mỗi anh chọn một kiểu rồi không biết học sinh kiến thức ra sao? |
Tuyết Nhung - Mạnh Quân
Bình luận (0)