Ở thôn Tân Phước Bắc, xã Vạn Phước (H.Vạn Ninh, Khánh Hòa), chúng tôi không khỏi xúc động về cái chết thương tâm của hai cha con anh Lê Văn Lê và Lê Văn Luân. Anh Lê Văn Hâng, em ruột của anh Lê, chua xót kể lại: “Sau khi bão qua, hai cha con anh Lê sốt ruột nên ra đìa để xem hồ nuôi ốc hương có bị thiệt hại gì không, nhưng nước đã cuốn trôi hai cha con. Anh Lê thì bị cuốn vào hồ nuôi ốc, cháu Luân thì bị trôi ra biển. Đến nhà bà Trần Thị Mai (72 tuổi, xã Đại Lãnh, H.Vạn Ninh) cũng là lúc gia đình chuẩn bị đưa bà Mai đi mai táng. Ngôi nhà tái định cư mới xây dựng được 4 tháng bị sập đổ hoàn toàn. Chị Võ Thị Hiền, con gái bà Mai, khóc nức nở: “Khi cơn bão đang hoành hành thì trong nhà có tôi, mẹ và 2 cháu nhỏ. Gió lớn hất tung cửa, cuốn sập bức tường khiến mẹ chết tại chỗ, 1 cháu nhỏ bị nát bả vai đang điều trị tại Bệnh viện Quân dân y 87 Nha Trang”.
tin liên quan
Người người rơi nước mắt trắng tay sau bão số 12Chỉ sau một đêm, cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) đã cướp đi hầu hết vốn liếng của bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản ven biển Khánh Hòa và Phú Yên.
Cùng ngày, PV Báo Thanh Niên cũng đã đến chia sẻ, hỗ trợ cho gia đình ông Võ Văn Xù (51 tuổi, ở xã Vạn Khánh, H.Vạn Ninh) và anh Nguyễn Tài (19 tuổi, ở tổ dân phố 15, TT.Vạn Giã, H.Vạn Ninh).
Tại H.Bắc Trà My, Quảng Nam, PV Thanh Niên đã đến thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với những gia đình có người bị mất trong trận sạt lở kinh hoàng tối 5.11. Vụ sạt lở đã cướp đi sinh mạng của 5 người xấu số gồm Hồ Thị Ái (32 tuổi), Võ Thị Hồng (61 tuổi), Nguyễn Thành Phương (26 tuổi), Nguyễn Thị Đắc (45 tuổi) và Đỗ Mỹ, cùng trú tổ Đàng Bộ, TT.Trà My, H.Bắc Trà My. Riêng ông Mỹ phải đến trưa 6.11 mới tìm thấy thi thể đưa về mai táng. Ông Đỗ Hạnh, một trong những nạn nhân sống sót trong vụ lở núi kinh hoàng, kể lại rằng sau một tiếng nổ lớn, khi ông tỉnh lại thì cha và vợ của mình đã bị vùi sâu trong bùn đất. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh. Ba tôi hô lớn nói chạy đi, tôi quáng quàng chạy. Nào ngờ đất đá vùi đè lên cả”, ông Hạnh nức nở.
Với mỗi gia đình có người thân bị mất trong bão lũ ở Khánh Hòa, Quảng Nam, đại diện Báo Thanh Niên đã đến tận nơi trao hỗ trợ mỗi trường hợp 5 triệu đồng. Số tiền này từ nguồn bạn đọc đóng góp chia sẻ với người dân miền Trung bị bão lũ.
Cứu trợ khẩn cấp gần 500 hộ dân bị lũ chia cắt
Chiều 6.11, Báo Thanh Niên phối hợp Tỉnh đoàn Bình Định đã cứu trợ khẩn cấp gần 500 hộ dân của thôn Huỳnh Giản Nam (ảnh) thuộc xã Phước Hòa, H.Tuy Phước, Bình Định. Đây là vùng bị ảnh hưởng nặng nhất của đợt lũ sau cơn bão số 12 do bị chia cắt hoàn toàn. Hàng cứu trợ gồm mì ăn liền, nước uống, bánh ngọt (100.000 đồng/suất) với tổng trị giá 50 triệu đồng. Ông Dương Khánh Hải, Trưởng thôn, cho biết: “Toàn thôn có gần 500 hộ dân với 1.746 nhân khẩu. Mọi sự kết nối với bên ngoài đều phải di chuyển bằng đò. Chúng tôi rất vui mừng vì Báo Thanh Niên đã quan tâm, vượt lũ kịp thời đến với bà con. Đây là đoàn cứu trợ đầu tiên trong mùa lũ năm nay”.
Tâm Ngọc
|
Thanh Niên tiếp nhận hỗ trợ người dân vùng bão lũ miền Trung
Bão lũ dồn dập khiến cho tình cảnh người dân ở miền Trung đang vô cùng khó khăn, thiếu thốn lương thực và nhu yếu phẩm, rất nhiều hộ dân phải sống cảnh màn trời chiếu đất... Để hỗ trợ, chia sẻ với người dân, Báo Thanh Niên sẽ tiếp nhận sự đóng góp giúp đỡ của bạn đọc gần xa.
Mọi sự giúp đỡ xin trực tiếp đến tòa soạn Báo Thanh Niên: số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu (P.6, Q.3, TP.HCM); tòa soạn Hà Nội tại số 218 Tây Sơn (Q.Đống Đa, Hà Nội) hoặc các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.
Bạn đọc cũng có thể chuyển khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Hỗ trợ người dân vùng bão lũ miền Trung.
Báo Thanh Niên sẽ kịp thời tổ chức những chuyến cứu trợ trực tiếp đến tận tay những người dân bị thiệt hại trong thời gian sớm nhất, và cập nhật thông tin đầy đủ trên mặt báo.
Xin chân thành cảm ơn nghĩa cử của quý bạn đọc!
Thanh Niên
|
“Xót xa quá” !
Đó là tâm sự của nhiều bạn đọc khi đến đóng góp trực tiếp tại tòa soạn Báo Thanh Niên ngày 6.11 để giúp đỡ bà con miền Trung sau bão lũ.
Đầu giờ sáng, bạn đọc Trần Văn Trương ở P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã có mặt để đóng góp số tiền 4 triệu đồng nhờ báo chuyển ra miền Trung (ảnh). “Tôi về hưu rồi, không còn làm ra tiền nhưng thấy bà con ngoài ấy khổ sở mà xót xa quá. Của ít lòng nhiều để san sẻ với bà con phần nào khó khăn, mất mát!”, ông Trương chia sẻ.
Trong ngày 6.11, lượng bạn đọc đóng góp trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện cũng như thông qua chuyển khoản để giúp đồng bào miền Trung càng nhiều thêm. Trong số đó, có rất nhiều bạn đọc tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn chịu khó lặn lội đến tòa soạn để đóng góp như cụ bà Trần Thị Bạch Yến, 71 tuổi ở P.12, Q.Phú Nhuận hay bạn đọc L. (không muốn nêu tên) ở Q.Bình Thạnh...
Thông qua mạng xã hội, cô giáo Nguyễn Thị Kim Phượng, cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 cũng đã vận động và đóng góp số tiền 5 triệu đồng . “Số tiền này trích từ quỹ “Phuong Thi Kim Nguyen” do tôi tổ chức. Thấy bà con quá khổ vì bão, lũ nhưng tôi không thể ra tận ngoài đó giúp đỡ nên nhờ quý báo chuyển đến bà con. Cầu mong bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống!”, cô Kim Phượng nói.
Tin, ảnh: Thanh Đông
|
Bình luận (0)