Tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết trong năm 2017 sẽ hoàn thiện quy hoạch để chuyển đổi 1,12 triệu ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Theo ông Ngãi, qua điều tra khảo sát, 1,12 triệu ha rừng này là rừng phòng hộ ít xung yếu, trong đó chỉ có 0,5 triệu ha đất có rừng, còn lại chủ yếu là cây cỏ tầng thấp và đồi núi trọc. Các địa phương sẽ được phép chuyển đổi diện tích rừng này thành rừng sản xuất nhưng phải đảm bảo được chức năng phòng hộ.
Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ TN-MT hướng dẫn và giám sát các địa phương trong quá trình chuyển đổi để không gây tác động xấu đến môi trường, đảm bảo khai thác các nguồn lợi kinh tế từ diện tích rừng này.
tin liên quan
Cụ ông U.90 nghĩa hiệp lặng lẽ trồng phi lao chắn sóngCụ Nguyễn Lán (87 tuổi) đã dày công trồng, chăm sóc, bảo vệ rặng phi lao nơi cửa
biển, giúp dân làng sống an toàn trước sóng, gió và biển xâm thực.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngoài việc chuyển đổi rừng, sắp xếp và tái cơ cấu doanh nghiệp quản lý rừng cũng là nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực lâm nghiệp.
Trong đó phải bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn vì ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, ứng phó với mưa lũ, biến đổi khí hậu và khuyến khích người dân bảo vệ, trồng rừng và khai thác tài nguyên từ rừng theo hướng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế thu phí đối với những ngành nghề được hưởng lợi trực tiếp từ rừng.
“Đặc biệt là những doanh nghiệp thủy điện, thủy lợi sử dụng nguồn lợi từ rừng phải trả tiền cho những người giữ rừng, giữ nước trên nguyên tắc thị trường để vừa có nguồn đầu tư tái tạo và phát triển rừng, giúp người dân miền núi, vùng sâu vùng xa có thể sống được từ rừng”, ông Hiển nói.
Bình luận (0)