Sẽ có 5 tỉ người dùng 5G vào năm 2030

29/06/2023 08:20 GMT+7

Năm 2023, số người dùng 5G trên thế giới vào khoảng 1,5 tỉ nhưng có thể đạt tới 5 tỉ người vào năm 2030, theo dự báo của Huawei.

Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính kiêm Chủ tịch luân phiên Huawei đánh giá công nghệ 5G đã triển khai thương mại trên thế giới từ 4 năm trước và tạo ra nhiều giá trị ở mọi lĩnh vực công nghiệp cũng như trong vô số hộ gia đình toàn cầu hiện nay.

5G còn tạo ra các thiết bị và ứng dụng mới mang lại trải nghiệm sống động hơn cho tương lai, như 5G-New-Calling (cuộc gọi thế hệ mới dựa trên mạng 5G với độ trễ gần như bằng 0) và Naked-Eye-3D (công nghệ trình chiếu hình ảnh 3 chiều trong không gian 2 chiều mà không cần đến công cụ hỗ trợ quan sát).

Bà Mạnh Vãn Chu chia sẻ thông tin liên quan đến chủ đề chuyển đổi số và 5G tại MWC Shanghai 2023

Bà Mạnh Vãn Chu chia sẻ thông tin liên quan đến chủ đề chuyển đổi số và 5G tại MWC Shanghai 2023

Anh Quân

"Ngành công nghiệp di động đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu ước đạt 6.000 tỉ USD vào năm 2030. Từ đó có thể thấy 5G đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, tạo ra nền kinh tế khổng lồ cùng giá trị xã hội, công nghiệp. Và 5.5G sẽ là bước tiến tiếp theo", bà Mạnh Vãn Chu nhấn mạnh trong bài chia sẻ với chủ đề "Nắm lấy cơ hội chuyển đổi số nhờ 5G" tại buổi họp báo trong ngày đầu khai mạc sự kiện Mobile World Congress (MWC) Shanghai 2023 diễn ra từ ngày 28 tới 30.6 ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Nữ lãnh đạo của Huawei cho biết 5.5G sẽ là bước tiến tiếp theo có thể đạt tốc độ tải xuống/lên đạt 10 Gbps/1 Gbps cùng khả năng hỗ trợ tới 100 tỉ kết nối và trí tuệ nhân tạo thông minh hơn. Theo bà, 5.5G không chỉ kết nối người với người tốt hơn mà còn mang đến các cơ hội kinh doanh mới tập trung hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ở những lĩnh vực đặc thù như IoT (internet kết nối vạn vật), cảm biến, sản xuất công nghệ cao...

Nhưng để đưa 5G hiện tại lên tầm cao mới và đảm bảo công nghệ mạng tiên tiến có thể mang đến nhiều giá trị hơn cho thị trường, bà Mạnh cho rằng cần phải xác định đúng công nghệ cần cho từng bối cảnh khác nhau, đồng thời triển khai hệ thống kỹ thuật toàn diện hơn.

Chủ tịch mảng sản phẩm mạng lõi đám mây của Huawei George Gao nói: "Các nhà mạng đã chuyển trọng tâm vào mạng 5G từ xây dựng sang vận hành. Tuy nhiên họ đang phải đối mặt với những thách thức về tính linh hoạt của mạng, trải nghiệm người dùng thiếu đồng nhất và các ứng dụng cũ". Nhằm giải quyết tồn tại trên, Huawei đã đưa công nghệ thông minh vào các mạng lõi, đồng thời phối hợp với nhà mạng trong nhiều hoạt động, từ thoại, video... nhằm giúp họ khai thác hiệu quả trải nghiệm người dùng và kiếm tiền tốt hơn từ các dịch vụ.

Ông cho biết hoạt động IntelligentCore của hãng đã nâng cấp mạng lõi 5G ở 4 khía cạnh: Chuyển từ chỉ thoại sang hoạt động nội dung (áp dụng công cụ truyền thông thông minh để tăng cường giải pháp New Calling, giúp người dùng trải nghiệm nội dung phong phú hơn khi gọi điện); Chuyển đổi 2D đồng nhất sang 3D (giảm chi phí sản xuất video 3D, tự chuyển nội dung 2D thành 3D); Thay vì kiếm tiền từ lưu lượng truy cập thì sinh lợi bằng các trải nghiệm (tăng gấp đôi băng thông cho dịch vụ truyền hình trực tiếp, giảm độ trễ từ 25 - 45%, mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng để kích thích nhu cầu sử dụng); Phòng ngừa chủ động (công nghệ bản sao kỹ thuật số, học mô hình thông minh, mô phỏng đột biến, tối ưu thông số để xác định rủi ro trước khi trở thành sự cố).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.