Đường đua quy mô
Không nhiều thông tin trên mạng về Hans Geist, ngoại trừ một vài bức hình với chú thích "Giám đốc điều hành đường đua Moscow, Nga, Hans Geist trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng đường đua đẳng cấp thế giới Moscow". Một số bản tin ngắn còn cho biết, Hans Geist là nhà tổ chức giải đua xe Grand Prix Áo, đồng thời là giám đốc dự án của giải Bahrain Grand Prix... Các tin tức liên quan tới dự án F1 ở Việt Nam mà báo chí nước ngoài đưa tin những ngày gần đây cũng khẳng định Hans Geist chính là ông chủ của các giải đua xe ở Nga, Áo và Bahrain.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT, xác nhận chủ đầu tư dự án (Hans Geist) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ về phương án triển khai cũng như quy mô dự án trong tuần rồi. Vị này cho rằng, cơ quan quản lý chưa đưa quan điểm chấp nhận hay không vì còn phải xem xét kỹ càng dự án do nhà đầu tư trình, lẫn địa điểm triển khai dự án. Do đó, chưa thể biết được khi nào dự án sẽ tiến hành xây dựng nhưng nếu đồng ý, thời gian để hoàn thành dự án là 3 năm.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, địa điểm xây dựng đường đua ở Nha Trang, Khánh Hòa trên diện tích 300 ha, kinh phí đầu tư 150 triệu USD. Như vậy, so với đường đua F1 ở Sepang, Malaysia trị giá 100 triệu USD và đường đua của Singapore tận dụng đường phố thì kinh phí đầu tư của đường đua F1 Việt Nam trong tương lai là tương đối lớn. Nguyên nhân để Hans Geist chọn Việt Nam cho dự án đường đua F1 dựa vào hai yếu tố chính là tiềm năng du lịch và nền kinh tế năng động.
"Khi hoàn thành, Việt Nam sẽ đăng cai một chặng của giải đua F1 hằng năm. Đó là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới khi có hơn 200 thương hiệu toàn cầu và giới truyền thông khắp nơi tới đây", Hans Geist phát biểu với báo chí. Geist cũng tin rằng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, kinh tế ở nơi tổ chức chặng đua sẽ được cải thiện. Ngoài ra, ông nhấn mạnh giải đua sẽ mang về cho địa phương khoảng 100 triệu USD và giá trị quảng cáo lên tới 300 triệu USD cho mỗi lần tổ chức. Vì thế, nhiều nước ở châu Á đang mong muốn được tổ chức một chặng của F1, trong đó năm tới Ấn Độ sẽ khai trương đường đua và Thái Lan cũng bày tỏ ý định tham gia.
Cơ hội lớn
Chuyên gia du lịch người Singapore Robert Tan cho rằng, đường đua F1 là niềm kiêu hãnh của nhiều quốc gia vì nó thể hiện sự phát triển. Nhiều nước giàu có ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Malaysia và cả Trung Quốc những năm gần đây đều triển khai xây dựng đường đua F1 và sở hữu một chặng đua trong hệ thống F1 hằng năm. "Các nước đều sử dụng sự kiện tổ chức giải F1 như là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược quảng bá, tiếp thị hình ảnh du lịch của đất nước mình. Ở Singapore, một đất nước không nhiều đất đai, vẫn tận dụng đường phố và tổ chức giải F1 nhiều lần vào ban đêm đã nói lên sức thu hút mạnh mẽ của môn thể thao này", ông Tan phát biểu.
Cùng quan điểm, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam ủng hộ triển khai dự án, xem đó là cơ hội. "Lâu nay, du lịch Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào các sản phẩm thiên nhiên, di sản có sẵn. Đến một lúc nào đó, các sản phẩm này sẽ không còn sức hút và việc ra đời những sản phẩm nhân tạo như giải F1, Disneyland… là sự bổ sung tốt. Hơn nữa, các giải đua F1 hầu hết được tổ chức ở mùa thấp điểm du khách để tạo động lực thu hút khách. Cơ hội lớn, nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta có tạo ra được dịch vụ đi kèm đồng bộ hay không như mua sắm, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, máy bay, các điểm vui chơi giải trí khác…", ông Tan nói thêm.
Bà Goh Jenny, người Malaysia, Giám đốc Công ty du lịch Golden Star có trụ sở ở TP.HCM, cho biết giải đua F1 hằng năm ở Sepang (Malaysia) đem lại cơ hội kinh doanh cho các công ty du lịch ở nước này. "Hàng nghìn khách quốc tế đến Sepang để theo dõi giải đua, không chỉ thế họ còn dành thời gian tham quan, mua sắm… Giả sử như Việt Nam tổ chức một chặng đua F1 sẽ có hàng trăm nhà báo quốc tế đến đây và truyền tải thông tin ra thế giới. Tôi thấy du lịch Việt Nam tiết kiệm chi phí quảng bá, nên những sự kiện như thế này có thể làm thay và nâng cấp du lịch Việt Nam", vị này khẳng định. Bà Goh Jenny cho hay hằng năm cứ tới dịp giải F1 ở Malaysia và Singapore diễn ra, công ty bà tổ chức nhiều đoàn khách Việt Nam đi coi F1.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, một nhà đầu tư Việt kiều trong lĩnh vực thể thao tại Việt Nam, nhận định nên ủng hộ những dự án có tính bao hàm rộng như dự án đường đua F1. "F1 được gọi là môn thể thao đắt giá hàng đầu (top expensive sport), có giá vé lên tới hơn 2.000 USD như ở giải đua Singapore. Các tay đua là những người vô cùng nổi tiếng, có mức bảo hiểm cả chục triệu USD. Họ tới các giải đua cùng hàng chục người tháp tùng với rất nhiều phương tiện mang theo… Tôi cho rằng cần xúc tiến để thực hiện được dự án này. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phối hợp khai thác và tổ chức dịch vụ hậu cần như thế nào để mang lại lợi ích tốt nhất cho địa phương", ông Mỹ nói.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến chuyện xây dựng một đường đua F1 ở Việt Nam là tích cực. Qua đó thể hiện môi trường đầu tư hấp dẫn đối với đa dạng các loại dự án; góp phần tạo hình ảnh năng động của Việt Nam; tạo thu nhập và việc làm…
N.Trần Tâm
Bình luận (0)