Chúng ta sẽ có bao nhiêu cậu tú, cô tú đúng chuẩn đây? Và liệu dư luận xã hội có phải buồn phiền, thậm chí phẫn nộ trước nhiều hiện tượng bê bối trong suốt quy trình "tổ chức thi - chấm điểm - ráp phách - vào máy lên điểm" ở không ít địa phương như báo chí đã phanh phui năm ngoái?
Xét về hình thức, việc chuẩn bị cho một mùa thi nghiêm túc hình như đã kỹ. Ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã rất kiên quyết, phát động một cuộc vận động rộng lớn trong ngành "nói không với gian lận trong thi cử". 64 vị giám đốc sở giáo dục các tỉnh thành đã long trọng ký kết tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) cách đây chưa lâu.
|
Trong một bài trả lời phỏng vấn, người đứng đầu ngành cho biết cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để xin có sự chỉ đạo. Đi sâu vào lĩnh vực tổ chức, kỹ thuật của kỳ thi sắp tới có vẻ như cũng có những chuyển động tích cực: có 4 môn, nếu thi, sẽ thi trắc nghiệm. Bộ sẽ huy động hệ thống giảng viên đại học tham gia coi thi...
Cho phép tôi nói thẳng: nếu chỉ chuẩn bị như thế, nghĩa là chỉ nội bộ ngành giáo dục loay hoay nghiêm túc với nhau thôi, cuộc thi này vẫn sẽ không trong sạch như ông Bộ trưởng cũng như tất cả chúng ta kỳ vọng.
|
Tôi nhớ lại những hình ảnh đáng xấu hổ được ghi lại trên màn hình nhỏ hoặc trên mặt báo: người nhà thí sinh ở trường thi Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Tây) đã dựng thang tre tua tủa vào từng trường, nhào vô phòng thi để làm một việc sai trái - chuyển đáp án vào cho con em, người thân.
Các giám thị - những thầy cô giáo yếu cả sức và thế - đã bất lực trước những hành động bất chấp pháp luật ấy. Còn nếu quyết tâm nghiêm túc ư? Gương mấy chục thầy cô trường THPT Pleiku coi thi ở huyện K'Bang (2005) dù đã lên ô tô chạy trốn vẫn bị bọn côn đồ - buồn thay, đó lại là một số thí sinh hư hỏng và người thân của chúng - truy đuổi, phải lánh vào một trụ sở công an huyện.
Nếu cần chứng cứ tiêu cực tương tự, chỉ lật lại chồng báo mấy năm gần đây sẽ quá dư để Táo Giáo dục báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đấy là sự manh động của quần chúng. Đáng sợ hơn, là việc làm lộng quyền ỷ thế của những quan chức thoái hóa biến chất. Mới đầu năm nay thôi, nhiều báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ ra ngày 20.1.2007 đã phanh phui một đường dây chạy điểm, nâng điểm quy mô rất lớn ở Bạc Liêu: 1.740 thí sinh từ thi trượt thành đỗ, trắng trợn đến mức có thí sinh tất cả các bài thi chỉ đạt tổng cộng 5 điểm, nhưng được nâng lên thành 30 điểm để đủ điểm đậu. Gan và liều đến thế là cùng!
Có chuyện kiếm chác tiền nong nhem nhuốc, từ trưởng phòng huyện đến phó giám đốc Sở GD - ĐT, nhưng cũng còn do một nguyên nhân đáng kể khác: 20 quan chức cấp tỉnh - trong đó có cả Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Kho bạc tỉnh, Bí thư Đảng ủy khối dân chính Đảng, Giám đốc Sở Thủy sản... đã gửi gắm nhờ nâng điểm cho con cháu.
Trong phạm vi một tỉnh, trước yêu cầu - thực chất là mệnh lệnh của những người quyền lực đầy mình như thế, cán bộ ngành giáo dục liệu có dám trái lời?
Trước thực trạng trên, để bảo đảm năm nay chúng ta thực hiện "nói không với gian lận trong thi cử" tôi trân trọng đề nghị ông Bộ trưởng GD - ĐT làm ngay một việc hết sức hệ trọng: ông hãy trình bày với Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng và Thủ tướng Chính phủ, để cả Đảng và Chính phủ sớm có những chỉ thị cho lãnh đạo các tỉnh thành phải coi việc lãnh đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học cao đẳng sắp tới là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của Đảng và chính quyền địa phương. Một ban chỉ đạo thi cấp tỉnh thành phải do chủ tịch UBND cấp đó làm trưởng ban, hai vị Giám đốc công an và Giám đốc sở GD-ĐT là phó ban. Các vị phải thực sự quan tâm chỉ đạo trong suốt đợt thi và chấm thi. Nếu xảy ra bê bối, tiêu cực, trước hết 3 vị đó phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng.
Xin nói ngay, việc này cũng không phải mới mẻ gì. Cha ông ta xưa kia mỗi kỳ thi hương tổ chức ở đâu (chẳng hạn Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên, Gia Định), tổng đốc nơi đó chủ trì lễ xướng danh nhập trường thi và đốc học tỉnh đó là chánh chủ khảo hội đồng chấm thi. Trường thi được quân lính bảo vệ hết sức nghiêm mật. Chẳng lẽ chúng ta bây giờ coi nhẹ thi cử hơn cha ông tổ tiên?
|
Mặt khác chỉ thị của Thủ tướng phải quy định rất nghiêm trách nhiệm, nghĩa vụ của các cán bộ phụ trách thi cử cũng như nhắc nhở thái độ đúng đắn cần có của tất cả quan chức các ngành. Nên chăng, Thủ tướng cũng xác định sẽ xử lý kiên quyết những vụ vi phạm quy chế thi; tránh tình trạng đến bây giờ không biết 20 vị quan chức Bạc Liêu nói trên ra sao. Tôi ngờ, hình thức xử lý cao nhất các vị đó đã chỉ là "phê bình nghiêm khắc".
Trên cơ sở có chỉ thị của Ban Bí thư T.Ư và Thủ tướng Chính phủ (rất nên công bố rộng rãi trên các báo, đài từ trung ương đến địa phương), nên có cuộc vận động học tập, trao đổi sâu và rộng trong các đoàn thể, từ cấp cơ sở xã phường (Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ...) về trách nhiệm của từng người dân, từng cán bộ, từng đoàn thể trong việc chấn hưng giáo dục, lành mạnh hóa việc thi cử, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ - đặc biệt là tinh thần tự trọng và ý thức tự lực vượt khó.
Nghiệm ra, mọi quyết sách của người đứng đầu ngành giáo dục - một lĩnh vực rất nhạy cảm, dù hay đến đâu, nhưng nếu thực hiện đơn độc nhất định cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể thất bại. Việc thi cử càng nhạy cảm hơn hết, vì là nỗi khắc khoải chính đáng của mọi gia đình. Trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, để đảm bảo việc thi cử được tiến hành lành mạnh, trong sạch, đem lại lòng tin và niềm vui cho 25 triệu giáo viên, sinh viên, học sinh các cấp cũng như cho toàn thể xã hội, những điều đề xuất như trên là điều kiện cốt tử. Hy vọng rồi đây mặt bằng dân trí cao hơn, ý thức thượng tôn pháp luật của mỗi người dân, mỗi quan chức các cấp tốt hơn, lúc đó việc chỉ đạo thi cử chắc sẽ khác - đơn giản, gọn gàng hơn. Nhưng dù đơn giản gọn gàng đến đâu thì chủ trì kỳ thi vẫn phải là quan chức đứng đầu tỉnh, thành với đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn như đã nêu trên.
T.H.T
Bình luận (0)