|
Tích hợp nhiều môn học
Phát động từ năm 2009, đến năm 2011 Sở GD-ĐT TP.HCM hoàn thành tài liệu dạy học vật lý lớp 6, hiện đã thực hiện đến lớp 9.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Trong năm học này, Sở sẽ đưa vào sử dụng tài liệu dạy học môn toán 6. Và nếu thực hiện hiệu quả, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục soạn thảo các môn còn lại ở cấp THCS”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, tài liệu dạy học toán 6 sẽ mang tính gần gũi, gắn với hoạt động, đời sống của học sinh. Đồng thời, tài liệu này sẽ mang tính tích hợp các môn học khác như: sinh học, địa lý… Cũng theo ông Tiến, đội ngũ biên soạn tài liệu này gồm có các thầy cô bộ môn toán của Sở, các trường THPT, THCS trên địa bàn TP.HCM. Tài liệu dạy học vật lý hay toán đều dựa vào chương trình, sách giáo khoa (SGK) và yêu cầu về chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD-ĐT.
Ông Trần Đức Huyên, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong những giáo viên biên soạn tài liệu này cho biết: “Tài liệu mang tính tích hợp liên môn. Tuy là dạy toán nhưng cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức khác như: vật lý, địa lý… Kiến thức còn mang tính ứng dụng vào trong đời sống, tích hợp với trò chơi thể hiện được thuật toán, trong đo lường”.
|
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tài liệu dạy học toán 6 có từng chủ đề riêng như: toán học và lịch sử, toán học và âm nhạc... Chẳng hạn ở chủ đề 5 “Lũy thừa”, thay vì chỉ có lý thuyết bài học và luyện tập như thường thấy, tài liệu vận dụng cả kiến thức sinh học. Cũng trong chủ đề này, ở phần “thử tài bạn” bài tập số 2 (toán học với âm nhạc) còn nêu các kiến thức về âm nhạc…
Gần gũi, gắn với hoạt động, đời sống của học sinh
Theo lý giải của ông Hiếu, việc Sở biên soạn tài liệu toán 6 là căn cứ trên hiệu quả của tài liệu dạy học vật lý 6, 7, 8, 9 trước đây. Nhiều giáo viên, học sinh ở Q.1, Q.2, Q.5, Q.9, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi… dùng tài liệu này đều cho biết tài liệu hay, thiết thực và mang hơi thở cuộc sống. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tiến (người trực tiếp biên soạn tài liệu dạy học vật lý 6, 7, 8, 9), cho rằng Sở không bắt buộc học sinh, giáo viên dùng tài liệu này thay thế SGK, mà chỉ khuyến khích, nếu thấy phù hợp.
Theo các giáo viên và học sinh đã sử dụng bộ tài liệu vật lý, tài liệu này có nhiều ưu điểm: hình ảnh bắt mắt, gần gũi, mang tính thực tế cao. Học sinh có thể vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Chẳng hạn trong chủ đề 24 phần thực hành “Chế tạo la bàn và động cơ điện một chiều”, trong tài liệu dạy học vật lý 9 hướng dẫn học sinh chế tạo la bàn một cách đơn giản, chỉ với kim may bằng thép, một thanh nam châm, một bình (hoặc chén, đĩa) bằng nhựa có chứa nước, băng keo, tấm mốp... Với hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể, học sinh hoàn toàn có thể làm được.
Đặc biệt, bộ tài liệu vật lý còn được đánh giá cao ở phần “thế giới quanh ta” với nhiều thông tin hữu ích.
|
Nên phát triển thành sách giáo khoa
Trước tính hiệu quả của bộ tài liệu này, nhiều người cho rằng, cần thiết phát triển thành bộ SGK.
Ông Trần Đức Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, Q.5 cho biết: “Bộ tài liệu này áp dụng chủ yếu ở trường là dùng tham khảo, chứ không dám thay SGK. Tuy nhiên, nếu có thêm bộ SGK cũng tốt. Trước năm 1975, tôi học có đến 2, 3 bộ SGK để tham khảo, học tập. Điều quan trọng không phải một hay nhiều bộ SGK mà quan trọng là chất lượng, phương pháp sư phạm và tính hiệu quả từ bộ SGK”.
Lãnh đạo một trường THCS tại TP.HCM nói: “Nếu phát triển được bộ tài liệu này thành SGK trong tương lai tôi nghĩ sẽ tốt. Vì kiến thức trong tài liệu này học sinh giáo viên cả nước đều có thể dùng được chứ không chỉ riêng TP.HCM. Sắp tới, Bộ sẽ có chủ trương nhiều bộ SGK thì TP.HCM hoàn toàn có thể tập hợp đội ngũ để biên soạn SGK, phục vụ cho học sinh, giáo viên”.
Ý kiến Thỏa mãn 4 yếu tố khi viết SGK Khi xây dựng, biên soạn chương trình và nội dung SGK, những người có trách nhiệm phải thỏa mãn được 4 yếu tố: Chắt lọc kiến thức phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nội dung phải phát triển kỹ năng cho học sinh, coi trọng thực hành giúp các em thích ứng với thực tế, tránh hàn lâm, sáo rỗng. Để học sinh tự khám phá, tự khai thác, tích lũy kiến thức theo nhận thức của mình (cách học hiện nay là áp đặt học sinh theo con đường và nội dung của nhà quản lý). Chương trình đổi mới phải theo hướng giảm số môn (đối với bậc THCS, nền tảng cơ bản chỉ nên xây dựng tối đa 6 môn theo hướng tích hợp. Ở bậc THPT, đã định hướng nghề nghiệp cũng chỉ nên có từ 4 - 6 môn mà thôi). Bộ GD-ĐT chỉ nên đưa ra chương trình khung có yêu cầu và chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đáp ứng. Từ đó, các địa phương, các nhóm chuyên môn có thể biên soạn SGK, giáo viên và học sinh sẽ tìm ra bộ sách phù hợp cho mình. Trần Mậu Minh Cần phát huy sở thích, năng khiếu của học sinh Khi viết SGK, điều đầu tiên đòi hỏi người viết phải nhìn thấy mục tiêu của giáo dục, đặc trưng của từng bộ môn. Cách tiếp cận phải đảm bảo các yếu tố sau: Nội dung SGK phải gắn liền với thực tiễn, bên cạnh việc cung cấp kiến thức thì còn phát huy sở thích, năng khiếu của học sinh theo hướng cá thể hóa. Cao Huy Thảo B.Thanh (ghi) |
Minh Luân
>> Khó bình đẳng nếu Bộ vẫn biên soạn sách giáo khoa
>> Đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2017
>> Bộ GD-ĐT vẫn muốn biên soạn sách giáo khoa
>> Không tăng giá sách giáo khoa
>> 100 điểm bán sách giáo khoa giá rẻ
Bình luận (0)