Một thông tư, trong đó quy định việc quản lý tiền công đức, đang được các cơ quan chức năng của Bộ VH-TT-DL soạn thảo. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Chính (ảnh), Phó cục trưởng phụ trách Cục Văn hóa cơ sở, đơn vị tham gia đóng góp ý kiến cho thông tư.
|
Lượng tiền công đức hiện nay là rất lớn. Chẳng hạn có nơi như đền bà Chúa Xứ (An Giang), người dân công đức may áo dát vàng cho tượng; có nhiều nơi người dân công đức tới hàng tỉ đồng. Trong số tiền công đức, có khoản dùng để tái đầu tư cho di tích như tôn tạo, tu bổ, chỉnh trang, chuẩn bị cho mùa lễ hội năm sau (với di tích là nơi diễn ra lễ hội), làm từ thiện, các hoạt động xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng... Bên cạnh mục đích là dùng vào việc nghĩa, đưa vào công quỹ, tiền công đức còn dùng để chi tiêu cho hoạt động của ban quản lý. Ngoài ra, tiền công đức ở di tích lớn có thể được dùng để trùng tu, tôn tạo cho các di tích nhỏ thuộc cùng một hệ thống quản lý tôn giáo, chẳng hạn như trong trường hợp một vị sư trụ trì 2-3 ngôi chùa.
Nhiều di tích làm tốt việc quản lý tiền công đức, tuy nhiên vẫn có nơi lẫn lộn trong quản lý, thu - chi giữa ban quản lý và thủ từ. Cũng có những di tích rất phức tạp khi mang tính chất gia đình trị, bà mẹ hay ông bố đã ở đấy, thì kéo con, kéo cả họ đến làm ở di tích. Chuyện cá nhân tìm cách biển thủ đã xảy ra.
|
Tiền công đức ở nhiều nơi chưa thật minh bạch. Từ đó dẫn đến chuyện như lãng phí, ngoài ra còn tự ý tôn tạo, trùng tu di tích một cách bừa bãi làm biến dạng di tích do thiếu kiến thức. Hiện nay đang có xu hướng rất xấu là nhiều nơi tìm cách xây thêm nhiều điểm thờ tự trong cùng một điểm di tích, trái với luật Di sản, việc này cũng giống như chợ tăng thêm ki ốt. Cùng với đó là hiện tượng lăng xê di tích, gán cho di tích những ý nghĩa không hề có với mục đích tăng công đức, tăng thu.
|
Quan điểm của Bộ VH-TT-DL về vấn đề quản lý tiền công đức ra sao?
Có những nơi tiền công đức chỉ đủ vận hành, chứ không phải nơi nào cũng nhiều. Nhưng đã là tiền công đức phải được quản lý theo chế độ rõ ràng. Tiền công đức là tiền của dân, đóng góp cho di tích, các hoạt động xã hội, chứ không phải cho cá nhân hay một nhóm người nào đó, nên phải được quản lý theo các chế độ, quy định, chứ không thể để trôi nổi. Tiền công đức phải được chi tiêu với mục đích lành mạnh, theo hướng tái đầu tư cho văn hóa, mà cụ thể ở đây trước hết là cho các di tích. Mặt khác, nếu nhà nước chỉ đạo khuyến khích khai thác các giá trị văn hóa (như di tích, lễ hội) để phát triển du lịch thì cũng cần phải đầu tư, chứ không nên chỉ trông chờ vào tiền công đức của người dân.
Theo ông, thông tư cần phải có những quy định thế nào trong việc quản lý?
Thứ nhất, mục đích ra đời của thông tư là quản lý tiền công đức hiệu quả. Tiếp đó là các quy định quản lý, chế tài rõ ràng về việc sử dụng tiền công đức như thế nào, cho những nội dung cụ thể gì. Thêm đó, cần đưa ra quy định về cơ chế thanh quyết toán, thẩm quyền xử lý liên quan đến việc chi tiêu tiền công đức. Chúng tôi đã góp ý với đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư trên tinh thần ấy. Ngoài ra cũng phải quy định thêm việc tiền công đức khi đưa vào trùng tu, tôn tạo, phải tuân thủ sát sao mọi quy định của luật Di sản.
Dự kiến trong khoảng thời gian bao lâu thông tư sẽ hoàn thành và ra đời?
Đây là chuyện khá nhạy cảm, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhiều đơn vị đang phối hợp, cố gắng đưa ra thông tư trong năm nay. Chúng tôi rất cần những ý kiến đóng góp của công chúng để thông tư ra đời hiệu quả, thiết thực với công tác quản lý. Sắp tới sẽ có cuộc hội thảo lấy ý kiến của nhiều ban, ngành, chuyên gia, các nhà nghiên cứu để xây dựng thông tư.
Không phải nhà nước thu tiền công đức Tại hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011, chuẩn bị cho mùa lễ hội 2012, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đã đề nghị Vụ Kế hoạch - Tài chính tham mưu cho Bộ, phối hợp cùng Bộ Tài chính sớm đưa ra thông tư về quản lý tiền giọt dầu, công đức, cung tiến. “Ở đây không phải nhà nước thu tiền công đức của dân mà khi phát sinh nguồn thu cần phải minh bạch và được quản lý”, ông Ái nói. |
Minh Ngọc
(thực hiện)
Bình luận