Nên dán xe lắp ráp trong nước trước
Tán thành với đề xuất buộc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô và xe gắn máy, chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng (từ Pháp) cho rằng, việc gắn nhãn năng lượng cho một phương tiện giao thông vận tải, đối tượng tiêu thụ năng lượng, là điều hoàn toàn đúng. Ông nói: “Thêm một nhãn năng lượng lên chiếc xe gắn máy không chỉ thêm thông tin cho người tiêu dùng rõ ràng minh bạch hơn mà còn là hình thức giáo dục người tiêu dùng cần chú ý hơn về môi sinh trước quyết định mua sắm một sản phẩm có tiêu thụ năng lượng. Thứ hai, đây cũng là hình thức marketing của nhà sản xuất. Bởi với những xe ít hao xăng, ít ô nhiễm có thể sẽ được gắn nhiều sao hơn, như vậy sẽ “được lòng” người tiêu dùng hơn. Quy định này chung quy là khuyến khích nhà sản xuất tăng cường đổi mới công nghệ để có sản phẩm ít tiêu hao năng lượng nhất”.
Tuy nhiên, ông Đồng cũng khuyến cáo, các chỉ số này được nhà sản xuất tự công bố và thường chỉ số tiêu hao năng lượng được gắn con số tối thiểu nhất có thể trong phòng thí nghiệm. Nhà sản xuất vẫn có thể “ăn gian” hợp lý khi để xe nổ máy bình thường, không có người ngồi trên, không trừ hao khoản đường sá kẹt xe... để đo mức tiêu hao năng lượng. Trong khi những yếu tố này gia tăng tiêu hao năng lượng đáng kể. Thế nên, việc dán nhãn năng lượng cho một chiếc xe gắn máy tại thị trường VN trong bối cảnh hạ tầng của chúng ta kẹt xe triền miên, tốc độ đi không đúng tốc độ đã được thí nghiệm... thì hiệu quả tiết kiệm năng lượng cũng rất thấp.
Chuyên gia này cho rằng, VN nên áp dụng dán nhãn năng lượng cho xe gắn máy lắp ráp trong nước trước, bởi nguồn phụ tùng lắp ráp thường được nhập khẩu từ nhiều nước. Còn xe máy nhập khẩu “nguyên đai nguyên kiện” từ các quốc gia phát triển như: Ý, Nhật... chưa vội dán nhãn bởi ngay nhà sản xuất tại các nước đã có các chỉ số về năng lượng đính kèm rõ ràng.
Cần cả hệ thống quản lý hỗ trợ
Thực tế, việc dán nhãn năng lượng trên phương tiện vận tải là điều các nước đã làm từ lâu và phổ biến nhất là trên ô tô. Từ ngày 1.1 năm nay, VN cũng đã áp dụng dán nhãn năng lượng với ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Với quy định dán nhãn năng lượng trên xe máy, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, cảnh báo việc có thể “đẻ” thêm giấy phép con làm khó doanh nghiệp. “Bản chất của việc thêm quy định dán nhãn năng lượng là tạo công cụ hỗ trợ cho nhà sản xuất kinh doanh. Số lượng sao tiết kiệm năng lượng tỷ lệ thuận với giá thành sản phẩm. Sản phẩm càng tiết kiệm được năng lượng thì giá càng cao hơn”, ông Tước giải thích và cho rằng, việc này sẽ khuyến khích tiêu dùng hướng đến sản phẩm sạch, khuyến khích nhà sản xuất cải tiến công nghệ thường xuyên...
Tuy nhiên, ông Tước cũng băn khoăn, liệu chúng ta có đủ một hệ thống để hỗ trợ cho việc kiểm soát vấn đề này không khi công nghệ thay đổi nhanh như vũ bão. Chiếc xe gắn máy năm nay đạt 5 sao, nhưng 2 năm sau chỉ còn 3 sao. Tương tự, chiếc được gắn 3 sao lúc này, vài năm sau 1 sao cũng không ai mua. “Vậy nguồn nhân lực đâu để chúng ta theo đuổi việc quản lý và siết việc gắn sao năng lượng cho chiếc xe gắn máy? Đặc biệt với cơ quan hải quan, nơi gác cổng cho phụ tùng xe lắp ráp nhập vào VN, việc kiểm soát sẽ thế nào, hay hàng nhập về hàng triệu sản phẩm cứ phải chờ cơ quan quản lý kiểm định và dán nhãn từng phụ tùng”, ông Tước băn khoăn.
Theo Cục Đăng kiểm, việc dán nhãn năng lượng sẽ được áp dụng bắt buộc đối với xe mô tô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới, hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Mục đích việc dán nhãn này là thông tin minh bạch về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe theo phương pháp và chu trình đo đã được thống nhất, cung cấp cho khách hàng biết để có chọn lựa khi mua xe... Việc chọn xe mô tô và xe gắn máy để dán nhãn năng lượng là do tốc độ tăng trưởng của loại phương tiện này quá nhanh, lại chiếm phần không nhỏ trong tiêu thụ. Thống kê sơ bộ đến nay đã có hơn 55,1 triệu mô tô, xe gắn máy được đăng ký trên cả nước.
Bình luận (0)