Người chấp hành luật bị thiệt
|
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển nhìn nhận chính sách hiện hành về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) đang có những bất cập. Lợi ích của nhà nước và một bộ phận người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn diễn biến phức tạp. Theo ông Hiển, chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi nhà nước thu hồi đất thay đổi nhiều qua các thời kỳ nên dẫn tới tình trạng so bì, khiếu nại của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong cùng một dự án nhưng thực hiện thu hồi đất qua nhiều năm.
Theo ông Vũ Tiến Lượng, Phó giám đốc Sở TN-MT Nam Định, khó khăn nhất trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và TĐC trong thời gian vừa qua là sự thay đổi thường xuyên của chính sách liên quan. “Trước đây có Nghị định 197, rồi chuyển qua Nghị định 17, lại đến Nghị định 84, mới đây là Nghị định 69 và bây giờ lại đang sửa đổi Nghị định 69. Chúng tôi chóng mặt, xoay không kịp. Có dự án nằm vắt qua các đời chính sách này nên nảy sinh nhiều bất cập, không dễ gì giải quyết”, ông Lượng nói.
Ông Đinh Văn Điến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, nêu một nghịch lý phát sinh từ sự thay đổi của chính sách liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC: “Những người bị thu hồi đất thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian lại chịu thiệt, trong khi một số người chây ì, sau nhiều năm lại được đền bù với mức cao hơn. Chính điều này đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong dư luận”. Ông Nguyễn Minh Mười, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cũng cho rằng chính sách thay đổi nhiều, trong quá trình ban hành mới lại ít có tính kế thừa nên khi thực hiện dưới cơ sở rất khó.
|
Giải pháp vàng để xóa quy hoạch treo
Liên quan đến việc thu hồi đất, theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, thời gian vừa qua chúng ta chủ yếu thực hiện việc thu hồi theo dự án, chênh lệch địa tô không “chảy” vào túi của nhà nước. Trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi, quy định cơ chế nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tạo quỹ đất “sạch” để giao, cho thuê theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, phát huy nguồn lực từ đất đai. Các tỉnh, thành lập kế hoạch thu hồi đất vào tháng 7 hằng năm cùng kế hoạch ngân sách năm sau phải được HĐND biểu quyết và giám sát. Theo ông Hiển, cách làm này sẽ hạn chế được cơ chế xin - cho, có cơ hội xây dựng được những đô thị đẹp được quy hoạch bài bản, có đầy đủ cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe, khu dân cư…
Việc bồi thường cho người dân bị thu hồi đất trong những trường hợp nêu trên, theo ông Hiển sẽ do nhà nước đứng ra thực hiện. “Vừa rồi chúng ta đưa nhà đầu tư vào khâu này, họ ứng tiền trước cho người dân bị thu hồi đất. Chủ đầu tư nào xởi lởi thì đền cho dân nhiều, anh nào ky bo thì tìm cách ép dân. Bây giờ chúng ta chuyên nghiệp hóa thông qua đấu giá đất khi đã có đất “sạch”. Tính khả thi đến đâu? Liệu nhà nước có đủ tiền để làm chuyện này không? Tôi cho nếu có cơ chế huy động vốn thì vẫn làm được”, ông Hiển nói.
Để thực hiện việc này, ông Hiển lưu ý phải áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc làm tốt công tác quy hoạch làm cơ sở cho công tác thu hồi; nguồn tài chính được huy động từ nhiều nguồn, như từ thu hồi đất, ngân sách, thậm chí phát hành trái phiếu… Bên cạnh đó, phải có tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tốt nhất giao cho các trung tâm phát triển quỹ đất. Các trung tâm này có kinh nghiệm trong thực hiện vận động, thuyết phục để đền bù giải phóng mặt bằng có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
|
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi cũng đã có quy định cơ chế xử lý việc thu hồi đất do vi phạm quy định về chậm tiến độ sử dụng đất. Trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và không được thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại. Theo ông Hiển, các dự án có vi phạm chỉ được gia hạn một lần và tối đa là 12 tháng để khắc phục, nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ bị thu hồi. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Hà Nội, cho rằng quy định này nếu đi vào cuộc sống sẽ là chiếc chìa khóa “vàng” để giải bài toán quy hoạch treo, xóa các dự án lấy đất của dân rồi để hoang gây lãng phí tài nguyên, gây bức xúc trong dư luận.
2 phương án tính giá đất
Tư vấn độc lập xác định giá đất Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Hà Nội, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 02 quy định việc xác định lại giá đất ở khi giá đất chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Việc xác định giá đất sẽ do đơn vị tư vấn thực hiện một cách khách quan và độc lập. |
Việc định giá đất, theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi nêu ra hai phương án. Một là, dùng bảng giá cho tất cả các mục đích, không công bố vào ngày 1.1 hằng năm nữa mà khi nào giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm thì điều chỉnh. Hai là, cố giữ ổn định các yếu tố liên quan đến thuế, phí, lệ phí trong vòng 5 năm, phần bồi thường đất bị thu hồi thì phải xác định lại một cách cụ thể.
Ông Hiển cho biết, phương án định giá đất cho tất cả mục đích từ thuế, phí, lệ phí đến giao thuê, xử phạt hành chính có bất lợi là giá đất biến động, việc điều chỉnh bảng giá đất tốn nhiều thời gian nên có sự chênh lệch lớn giữa giá đất trên bảng giá và trên thị trường, người bị thu hồi đất thường phải gánh chịu sự thua thiệt.
Phương án hai, theo ông Hiển, sẽ tiếp cận được giá bồi thường, sát với giá thị trường hơn, người dân bị thu hồi đất dễ chấp nhận hơn, đây là cách được nhiều nước trên thế giới áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, làm theo cách này sẽ phải khắc phục nhiều khó khăn như đội ngũ tư vấn, xác định giá đất, kể cả số lượng, chất lượng chuyên môn và phẩm chất đạo đức còn có vấn đề, cơ sở dữ liệu giá đất chưa đủ và chưa được cập nhật thường xuyên, giao dịch bất động sản ngầm vẫn còn phổ biến, số liệu không quá chính xác. “Khó nhưng chúng ta vẫn phải làm, đi từng bước, tổ chức tập hợp dữ liệu, làm cho giao dịch ngầm bớt đi bằng công cụ thuế”, ông Hiển nói.
Quang Duẩn
Bình luận (0)