Trao đổi với Thanh Niên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH- TT-DL), cho biết tới đây đơn vị của ông sẽ chuẩn bị lập dự án xây dựng trường quay Cổ Loa đạt tiêu chuẩn quốc tế. “Trường quay sẽ có cả khu vực quay mặt đất và quay dưới nước. Trường quay đạt chuẩn quốc tế để thu hút các đoàn phim, thậm chí đoàn phim nước ngoài cũng có thể dùng trường quay của mình thì mới phát triển được công nghiệp điện ảnh. Kế hoạch đang là như vậy”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng chia sẻ Cục Điện ảnh sẽ xây dựng từ dự án đến con người từ đầu cho trường quay Cổ Loa này. Đây là một trong những đề án để xây dựng nền công nghiệp văn hóa cho Việt Nam. “Dự kiến sẽ có những đề án xây dựng công nghiệp văn hóa của từng ngành. Ngành điện ảnh sẽ làm đề án xây dựng trường quay quốc tế ở Cổ Loa”, ông Thành cho hay.
Trường quay cần, nhưng phải hiệu quả
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng các nền điện ảnh chuyên nghiệp đều cần trường quay. Tuy nhiên, để cơ sở vật chất của trường quay phát huy được tác dụng thì cần rất nhiều yếu tố khác. Những yếu tố này phải được xây dựng chắc chắn trước thì trường quay mới đạt hiệu quả. “Ví dụ một đội ngũ họa sĩ thiết kế có thể dựng những bối cảnh trong trường quay để ghi hình không bị giả và có thẩm mỹ. Yêu cầu đơn giản vậy nhưng tìm người làm được ở Việt Nam cũng rất khó”, ông Di nói, đồng thời cho rằng đây là một lĩnh vực đầu tư cực kỳ tốn kém nên cần có những đơn vị nghiên cứu độc lập để đánh giá về nhu cầu thị trường, hiệu quả đầu tư cũng như đánh giá kỹ kế hoạch khai thác trường quay.
Bên cạnh đó, đạo diễn Phan Đăng Di không khỏi băn khoăn khi trường quay được xây dựng ở Hà Nội, nhưng ngành công nghiệp điện ảnh lại sôi động hơn cả tại TP.HCM. “Liệu trường quay xây xong có thu hút được các hãng phim trong nam ra bắc quay không? Chưa kể nhà nước cũng đã đầu tư cho Hãng phim Giải Phóng một trường quay rất lớn, thế nhưng hầu như chẳng nhà sản xuất nào dám thuê vì giá cao, cộng với chi phí dựng bối cảnh trong trường quay cực kỳ tốn kém. Phải là một nền điện ảnh chuyên nghiệp và dồi dào tài chính mới làm được như vậy”, ông Di nhận xét.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Hãng phim Giải Phóng, cũng xác nhận do không có phim, hãng của ông đã cho thuê trường quay và cũng không còn họa sĩ thiết kế để dựng cảnh. Theo ông Hưng, cần có tính toán thực tế và cụ thể khi đầu tư phim trường. “Vì đầu tư phim trường thì tiền đầu tư ra, nhưng không có nguồn để thu lại. Đa số các phim hiện giờ kinh phí sản xuất thấp, nên không vào phim trường quay được. Người ta buộc phải đi thuê những bối cảnh có sẵn”, ông Hưng nói và chia sẻ thêm bài học kinh nghiệm của chính Hãng phim Giải Phóng: “Ngày xưa đầu tư trên 100 tỉ đồng. Bây giờ chúng tôi còn giữ những món đồ chưa từng sử dụng, rất lãng phí…
Tôi về đây từ năm 2015, cho đến nay là 6 năm mới làm có 2 phim điện ảnh”.
Nền điện ảnh phát triển chuyên nghiệp trước
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng việc phát triển công nghiệp văn hóa với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại không sai, nhưng chỉ khi nền điện ảnh của chúng ta đã có đủ nhân lực được đào tạo bài bản và một hệ thống quản lý đủ kỹ năng, hiểu rõ thị trường để vận hành các tài sản được giao một cách hiệu quả. Cuối thế kỷ trước, ngành điện ảnh từng được nhà nước đầu tư lớn để xây trung tâm kỹ thuật điện ảnh với thiết bị thuộc hàng hiện đại nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, chính việc đầu tư không dựa trên nhu cầu thực tế và khâu quản lý chưa tốt đã khiến nhiều máy móc đắt tiền của trung tâm bị bỏ xó trong lúc nhiều phim Việt vẫn phải sang Thái Lan để làm hậu kỳ.
“Năm 2009, nhóm kỹ sư âm thanh người Pháp thuê phòng thu của trung tâm để thực hiện một số công việc hòa âm cho bộ phim dài đầu tay của tôi. Họ công nhận thiết bị ở đây rất tốt, nhưng khi kiểm tra đến vách phòng hòa âm thì phát hiện nó được trang trí bằng những hộp gỗ rỗng, về mặt âm học, đó là một lỗi không thể chấp nhận”, ông Di nhớ lại. Từ đó, vị đạo diễn nêu ý kiến: “Quan trọng bây giờ là phải nhìn xem nền điện ảnh Việt Nam đang thiếu gì đầu tiên. Đó chính là nhân lực đủ trình độ. Cần tìm cách để đào tạo, tìm đúng người giỏi để gửi đi học, tìm người giỏi từ bên ngoài về dạy hoặc chí ít tạo cơ chế để việc hợp tác làm phim với nước ngoài thông thoáng hơn, thu hút các đoàn phim nước ngoài với nhân sự chất lượng cao đến để người Việt có thêm cơ hội học nghề... Bây giờ xây trường quay hiện đại mà không đào tạo ra người biết thiết kế một căn phòng trong trường quay để có thể quay phim được thì cũng vô ích”.
Ông Nguyễn Tiến Hưng cho rằng: “Phải đầu tư cho phim đã, ngành phim hoạt động đều đặn, chuyên nghiệp, rồi hãy phát triển phim trường”.
Trường quay Cổ Loa (Hà Nội) trước là Khu điện ảnh Cổ Loa, được xây dựng từ năm 1959 với sự hợp tác của Đức và Liên Xô. Sau khi xuống cấp, năm 2008 trường quay được phục hồi nâng cấp để thực hiện các phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo kế hoạch khi ấy, Cổ Loa sẽ trở thành trường quay hiện đại nhất Việt Nam với tổng diện tích 15 ha. Mặc dù vậy đến nay, theo đánh giá của ông Vi Kiến Thành, nó gần như chưa có gì và sẽ phải đầu tư lại.
|
Bình luận (0)