Sẽ hình thành các chuỗi cửa hàng bán lẻ

13/03/2006 10:23 GMT+7

Mở cửa thị trường bán lẻ, sẽ có nhiều “đại gia” chia sẻ “miếng bánh” đầy tiềm năng này. Với cung cách tồn tại rời rạc lâu nay, những nhà bán lẻ nội địa sẽ khó lòng tồn tại nếu không biết liên kết với nhau.

Theo các chuyên gia ngành phân phối, những trung tâm phân phối và siêu thị lớn như Fivimart, Citymart, Metro hay BigC... mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu dùng của khách hàng có mức sống trên trung bình và 80% nhu cầu còn lại, phải vào các chợ và cửa hàng nhỏ lẻ mua sắm.

Nhận xét về thị trường bán lẻ, ông Hoàng Anh Tuân, Giám đốc thương hiệu bán lẻ 24-Seven, cho rằng: “Nói đến bán lẻ, nhiều người chỉ nghĩ đến trung tâm thương mại, siêu thị lớn mà quên đi gần 900 nghìn cửa hàng bán lẻ trên khắp cả nước. Nhìn từ góc độ doanh thu, trung tâm thương mại hay siêu thị cũng chỉ mới đóng góp vài phần trăm trong tổng số doanh thu bán lẻ cả nước”.

Bán lẻ hay lối làm ăn nhỏ lẻ?

Không ít người nghĩ rằng trong lĩnh vực bán lẻ, chỉ cần mặt bằng và vốn, tập trung ở chỗ đông người (chợ, khu dân cư đông đúc). Sau đó, chất đầy hàng hóa và ngồi chờ thu tiền. Mặc dù chiếm đến 80% thị phần nhưng hiện tại, các cửa hàng bán lẻ của Việt Nam không khác chi “đống khoai tây” đổ ra khỏi bao tải. Đi dọc phố đồ điện tử Hai Bà Trưng hay Quang Trung (Hà Nội), mang tiếng là phố chuyên đồ điện tử nhưng các cửa hàng ở đây chỉ là “đèn nhà ai nấy rạng”. Tình trạng này được coi là phổ biến trên thị trường bán lẻ đối với hầu hết các mặt hàng khắp cả nước.

Cũng chính vì không có tính liên kết nên việc quản lý rất yếu kém, đầu vào của hàng hóa thiếu quy chuẩn, phải nhập giá cao, chất lượng hàng hóa không được khẳng định, cách thức bày biện tùy tiện. Lối làm ăn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, hầu như ăn sâu vào tiềm thức những người kinh doanh. Và đó chính là điểm yếu mong manh, dễ bị tổn thương khi các “đại gia” bán lẻ “xuất chưởng”.

Xin nêu một ví dụ: cách đây hơn 1 năm, siêu thị M. thực hiện một chương trình khuyến mãi đối với sản phẩm tủ lạnh E. Theo đó, ròng rã nửa tháng liền, siêu thị này đẩy mạnh doanh số bán ra với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Điều này nghe ra vô lý bởi chẳng có nhà phân phối nào lại đi bán sản phẩm thấp hơn giá thành. Kết cục, cầu thị trường đối với sản phẩm E đổ dồn về siêu thị M. và hàng loạt nhà phân phối sản phẩm E không thể chịu nổi đành phải đóng cửa.

Đến đây, nhiều người băn khoăn: Siêu thị M. làm như thế để được gì? Đơn giản, họ đã thỏa thuận trước với nhà sản xuất để được quyền khuyến mãi tại những thời điểm nhất định với giá bán tùy họ quyết định (có thể thấp hơn giá thành sản xuất). Nhờ tiềm lực tài chính quá mạnh của mình, họ đã đánh sập nhiều nhà phân phối rời rạc khác và gần như chiếm độc tôn việc cung ứng sản phẩm này. Và khi đã độc quyền, giá bán hoàn toàn trong tay của họ. Và cũng không dừng ở sản phẩm này, siêu thị nói trên còn phá hỏng hàng loạt cửa hàng phân phối giấy viết H.H cũng với chiêu thức tương tự.

Đi tìm “công nghệ” bán lẻ

Ông Trần Đình Vân, Phó giám đốc thương hiệu 24-Seven cho rằng: “Khi mà quỹ thời gian luôn luôn thiếu thì phải làm thế nào đó, mỗi khi dừng chân ở một điểm mua bán, người tiêu dùng có thể mua được thật nhiều hàng hóa, hưởng thụ nhiều dịch vụ gia tăng và tiêu tốn thời gian, tiền bạc một cách hữu ích nhất”.

Theo đó, từ cách trưng bày hàng hóa (Merchandising) đến chiều cao giá kệ, kích cỡ giá, vị trí đặt giá kệ phải theo một quy chuẩn nhất định. Tiếp đó, vị trí trưng bày ngành hàng, mặt hàng, xây dựng bảng giá, khuyến mãi, phân bố ngành hàng, tỷ lệ phần trăm các ngành hàng trên tổng giá trị vốn đều phải được nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng.

Tiếp đó, dựa theo những nghiên cứu thị trường, phải xác định được ngành hàng nào là chủ lực, ngành hàng nào làm nền, bởi trong một cửa hàng hay trung tâm thương mại không thể bày bán mọi loại hàng hóa.

Ngoài ra, theo ông Vân, còn một nguyên tắc nữa cũng hết sức quan trọng là đề cao sự thỏa dụng của khách hàng. Ví dụ, một cửa hàng bán được thuốc lá nhưng không bán được bật lửa nhưng không có nghĩa không bán được bật lửa. Trong trường hợp này, chủ cửa hàng sẵn sàng khuyến mại bật lửa đi kèm bao thuốc và chấp nhận lỗ cá biệt với chiếc bật lửa. Tuy nhiên, sự thỏa dụng của khách hàng sẽ tăng lên và sẽ đẩy cao doanh số bán hàng khi khách hàng muốn mua các mặt hàng khác. Và như vậy, khoản lỗ từ chiếc bật lửa đã được bù đắp từ lợi nhuận các sản phẩm khác.

Thêm một nguyên tắc nữa, đó là “Một lần dừng nhưng mua được nhiều hàng”. Xu thế ngày nay, không phải khách hàng nào cũng có đủ thời gian để rảnh rang nơi các khu chợ hay siêu thị, với quỹ thời gian chỉ 5 - 10 phút dừng lại nơi cửa hàng, vậy phải làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng?

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tuân, những vấn đề trên mới chỉ là yếu tố “kỹ thuật” trong bán lẻ. Để có thể tồn tại được, trong xu thế cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các cửa hàng cần phải có tính liên kết theo chuỗi chặt chẽ với nhau. Sự liên kết này nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính mạnh mẽ, phân tán được rủi ro cũng như chia sẻ được nguồn lực hàng hóa sản phẩm, tránh bị ép giá đầu vào.

Đồng nhất với ý kiến này, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Thương mại) nói: “Trong xu thế văn minh hiện đại, không thể cứ tồn tại mãi thứ văn hóa mua bán “ghếch chân vỉa hè”. Rất cần thiết phải cải tổ lại hệ thống bán lẻ hiện nay bằng những chuỗi cửa hàng nhằm tạo nên sức mạnh liên kết, đồng thời chia sẻ những rủi ro bất khả kháng”.

Theo Nguyễn Hoài/Thời báo Kinh tế Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.