Sẽ kiểm toán trách nhiệm kinh tế CB lãnh đạo trước khi bổ nhiệm, mãn nhiệm

19/07/2009 00:24 GMT+7

Hôm qua 18.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 21, với việc cho ý kiến về đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến 2015 và tầm nhìn 2020.

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), năm 2007 – 2008, KTNN mới kiểm toán (KT) được việc sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) của 50% số tỉnh, thành phố và 30% số bộ ngành, cơ quan Trung ương. Mỗi tỉnh, mỗi bộ cũng chỉ KT được 50% số huyện hoặc số đơn vị dự toán cấp II thuộc Bộ. KTNN không đảm trách hết 100% công việc theo yêu cầu sẽ dẫn tới nguy cơ bỏ lọt những hành vi tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát NSNN. Không chỉ hạn chế về phạm vi, KTNN còn thừa nhận: “Chất lượng KT và tiến độ KT còn khoảng cách so với yêu cầu của Luật KTNN, chưa giải đáp thích đáng các vấn đề bức xúc về những hiện tượng tiêu cực cũng như hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước”. Một bất cập khác được KTNN thẳng thắn nêu ra: “Hiệu lực KT chưa cao, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị KT, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời”...

15 năm qua, KTNN đã kiến nghị xử lý với số tiền 57.780 tỉ đồng. Trong đó, tăng thu thuế, phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất 12.246 tỉ đồng; tăng thu khác 7.566 tỉ đồng; giảm chi NSNN 7.437 tỉ đồng; ghi thu, ghi chi NSNN 12.099 tỉ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 18.432 tỉ đồng.

Đề án Chiến lược phát triển KTNN đến 2015 và tầm nhìn 2020 đặt ra mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2011 sẽ nghiên cứu ban hành cơ sở pháp lý thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế trước khi bổ nhiệm và mãn nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo. Trong giai đoạn từ 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp một số điều khoản quy định đầy đủ và toàn diện về địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN và của Tổng KTNN; thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN. Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ liên quan đến KTNN nhằm khẳng định KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ngoài ra sẽ hoàn thiện Luật KTNN theo hướng đảm bảo bao quát nhiệm vụ của KTNN đối với mọi nguồn lực tài sản công, mở rộng hoạt động KT doanh nghiệp theo hướng vừa KT như hiện nay, vừa KT việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.

KTNN kiến nghị từ nay đến năm 2020 thành lập thêm 2 KTNN chuyên ngành, 15 KTNN khu vực và 2 đơn vị KTNN riêng cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với hệ thống tổ chức bộ máy được bổ sung như trên, KTNN khẳng định: “Sau khi thành lập đủ 15 KTNN khu vực sẽ thực hiện kiểm toán thường xuyên hằng năm hầu hết báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo cáo quyết toán ngân sách quận, huyện”.

Đề án nhấn mạnh đến việc từng bước nâng cao hiệu lực pháp lý và giá trị của báo cáo kiểm toán, bằng cách tăng cường kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị KT, nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung một số chế tài và tổ chức kiểm tra việc thực hiện đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN, Luật NSNN, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN trong việc xử lý các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các Ủy viên UBTVQH đều nhất trí với quan điểm và mục tiêu của đề án. Tuy nhiên, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, đề án đặt mục tiêu phát triển chiến lược trong 6 năm tới (2015) là quá ngắn, không hợp lý, đề nghị phải có mục tiêu dài hơn.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.