Tham gia hội nghị có hơn 1.000 đại biểu đại diện cho lãnh đạo các địa phương và các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Một trong những giải pháp mà Bộ GD-ĐT đã đề ra là phải nâng cao chất lượng của “3 công khai” trong giáo dục ĐH (công khai cam kết chất lượng giáo dục và giáo dục thực tế; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; công khai thu chi tài chính). Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết đến nay mới chỉ có 34% số trường có báo cáo đầy đủ nội dung về “3 công khai”. Một số trường lấy lý do chưa có trang web, nhưng cũng có trường đã có trang web mà vẫn chưa công khai.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc ĐH Huế, thì việc thực hiện “3 công khai” chưa đầy đủ là do kỷ cương chưa nghiêm. Ví dụ, Bộ GD-ĐT đã quy định ngày phải đưa thông tin công khai lên trang web của trường nhưng các trường không chấp hành mà Bộ vẫn chưa có chế tài xử lý. Phát biểu về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Bộ sẽ bàn bạc và sẽ ra thời gian cụ thể, dự kiến đến ngày 15.4 tới, tất cả các trường phải công khai đầy đủ thông tin và đến 15.5, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu các trường vẫn không công khai, Bộ sẽ gửi văn bản đến tất cả các trường THPT thông báo danh sách các trường ĐH, CĐ không công khai về thu chi tài chính và đề nghị học sinh thận trọng khi đăng ký dự thi vào trường.
Trong số các trường ĐH, CĐ đã công khai thông tin thì 31 trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên vượt mức quy định, chủ yếu là các trường ngoài công lập thuộc khu vực TP.HCM; 31 trường ĐH và 35 trường CĐ có tỷ lệ diện tích sàn xây dựng/sinh viên quá thấp, dưới 2 m2/SV; chỉ có 69 trường báo cáo đầy đủ chuẩn đầu ra theo quy định. Đặc biệt, còn đến 175 trường chưa báo cáo đầy đủ về công khai thu chi tài chính. |
Phát biểu tại hội nghị, đại diện một số trường cho rằng, việc nâng cao chất lượng đào tạo là một bài toán lớn bởi nguồn lực đầu tư có hạn mà phải tăng cả số lượng và chất lượng là khó và còn phát sinh mâu thuẫn. Chẳng hạn chủ trương các trường đào tạo chất lượng cao được thu học phí cao đã có nhưng các trường không thực hiện được do “vướng” các quy định của cơ quan kiểm toán và tài chính. Ông Nguyễn Văn Nhạ - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) nói: “Trường muốn tự chủ không thể “sáng tạo” mãi được mà phải có chế tài để các trường áp dụng. Ví dụ, chủ trương thu học phí cao cần phải có chế tài gắn tự chủ với chất lượng. Nếu cơ sở giáo dục có chất lượng thì mới được tự chủ và phải có cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập đánh giá chất lượng. Như vậy mới tạo được động lực và sự công bằng cho các trường”.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: dự kiến ngày 15.5 tới sẽ có hội nghị ba vùng (Bắc - Trung - Nam) để bàn sâu hơn về việc đổi mới quản lý giáo dục ĐH. Tại đây, hiệu trưởng các trường phải công khai cam kết chất lượng đào tạo của nhà trường và chương trình đổi mới quản lý trong 3 năm. Đến ngày 15.12 năm nay, các trường phải công bố chiến lược đào tạo trong 5-10 năm tới và đưa công khai trên trang web của trường.
Vũ Thơ
Bình luận (0)