Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, ngân sách thành phố sẽ thực hiện trợ giá với giá bán vé đường sắt đô thị khi tuyến Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại vào tháng 8.2016.
Sẽ có hệ thống xe buýt kết nối ngang để tạo thành mạng lưới khi vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông |
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết đã giao cho Công ty Quản lý đường sắt đô thị và Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu phương án, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sẽ có toàn bộ tuyến xe buýt kết nối.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, theo đúng lộ trình tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thương mại vào tháng 8.2016. “Sở GTVT đang nghiên cứu để sắp xếp lại lộ trình, giảm tần suất xe buýt dọc theo tuyến Cát Linh - Hà Đông, bổ sung các tuyến kết nối ngang”, ông Viện nói.
Liên quan đến lo ngại việc vận hành đơn độc một tuyến đường sắt hiệu quả khai thác sẽ không cao, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, khi tất cả 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của Hà Nội đi vào vận hành, hiệu quả vận tải công cộng mới cao. Nhưng trước mắt, khi mói có một tuyến khai thác, thành phố sẽ đảm bảo kết nối cao bằng việc sử dụng hệ thống mạng lưới xe buýt. Cụ thể, tại các điểm nhà ga trên tuyến sẽ có các tuyến xe buýt đi tới các tuyến hướng khác để phục vụ người dân nếu có nhu cầu di chuyển tiếp.
Ông Viện cũng cho biết phương án giá vé với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tuy nhiên ngân sách thành phố chắc chắn sẽ có trợ giá để đảm bảo mức giá phù hợp với khả năng của người dân.
Lộ trình tuyến Cát Linh - Hà Đông
|
Toàn bộ tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, điểm khởi đầu tại ga Cát Linh (Quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Quận Hà Đông), gồm 12 ga và khu depot tại phường Phú Lương (Hà Đông), khoảng cách giữa 2 ga chỉ có hơn 1 km.
Bình luận (0)