"Đảng và Nhà nước sẽ đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Nên dùng các công nghệ đã được kiểm chứng
Theo các chuyên gia, dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận tạm dừng từ năm 2016 từng được đề xuất phát triển mô hình lò hạt nhân tiêu chuẩn, sử dụng công nghệ làm mát bằng nước của Nga, Nhật Bản và thuộc thế hệ 3+. Đây là các thiết bị được thiết kế đảm bảo nhiều tiêu chí về an toàn sau sự cố Nhà máy ĐHN Fukushima ở Nhật. Thống kê của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho thấy, thế giới có 440 lò phản ứng hạt nhân, trong đó 94% lò đang hoạt động tại 30 quốc gia. Đáng lưu ý, 70% số lò đang hoạt động này sử dụng công nghệ lò phản ứng nước áp suất (PWR).
PGS-TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, cho biết về công nghệ lò ĐHN, thế giới đang theo 2 xu hướng. Đó là tiếp tục cải tiến các lò làm mát bằng nước có công suất lớn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu, bảo đảm an toàn cao nhất với các kịch bản theo giả định khi sự cố xảy ra, kể cả sự cố nghiêm trọng nhất. Các lò hạt nhân được xây dựng trong thời gian gần đây chủ yếu loại này, được xếp vào loại thế hệ thứ 3+, đã được nhiều nước kiểm chứng sau thời gian vận hành.
Loại thứ hai là lò nhỏ và trung bình, hoặc lò modul và lò siêu nhỏ. Đây là một xu hướng trong phát triển công nghệ lò phản ứng của tương lai vì tổng mức đầu tư thấp, đơn giản trong thiết kế, rút ngắn thời gian xây dựng, thích ứng với nhu cầu điện năng không cao.
"Tuy nhiên, với loại lò hạt nhân nhỏ, để có đủ thời gian kiểm chứng công nghệ thì phải một vài thập niên nữa. Theo tôi, chúng ta không nên đầu tư làm các lò nhỏ, tuy được cho nhanh và không bị áp lực đầu tư song chưa được kiểm chứng. Phát triển ĐHN nên dùng các công nghệ đã được kiểm chứng. Đó là lò phản ứng hạt nhân có công suất lớn, được làm lạnh bằng nước thuộc thế hệ 3+ hoặc thế hệ thứ 4. Những lò thuộc thế hệ này có yêu cầu rất cao về an toàn và đã được xây dựng ở một số nước mới bắt đầu triển khai cũng như quốc gia phát triển ĐHN lâu đời", PGS-TS Vương Hữu Tấn nói.
Cấp bách nhu cầu điện "sạch"
Từ thái độ rụt rè lo ngại vấn đề năng lượng hạt nhân, thế giới đã chuyển sang tin tưởng nguồn năng lượng này. Hội nghị COP29 vừa diễn ra còn nhấn mạnh chìa khóa để ngăn chặn biến đổi khí hậu và thiên tai diễn ra dữ dội hơn, chính là phát triển năng lượng hạt nhân. Tại VN, quyết tâm tái khởi động dự án nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận cũng nằm trong xu thế phát triển nền kinh tế carbon thấp, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26. Hàng loạt dự án, đề án trọng điểm đưa VN tiến vào kỷ nguyên mới đều chủ trương sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch.
Đơn cử, tàu đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng điện; tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ ngay từ khi khởi động đã được các đơn vị nghiên cứu xác định sẽ sử dụng tàu điện, biến tuyến đường sắt này thành công trình thân thiện môi trường. TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Bắc Ninh… đã bắt đầu khởi động kế hoạch tiến đến giao thông xanh, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện.
Báo cáo "VN: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện" mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, Quy hoạch điện 8 được phê duyệt năm 2023 chưa tính đến hoạt động sạc xe điện, chỉ dự báo tỷ lệ sử dụng xe điện ở mức thấp, chủ yếu là xe máy điện sạc tại nhà. WB khuyến cáo, sau năm 2030, VN sẽ cần bổ sung trung bình 3 - 5% công suất mạng lưới so với kịch bản mức độ cao của Quy hoạch điện 8 nhằm đáp ứng phụ tải sạc xe điện trong giai đoạn 2030 - 2045. Sau đó, cần thêm tối đa 15% công suất truyền tải bổ sung vào năm 2050 để cho phép điện khí hóa 100% vận tải đường bộ.
Cùng với đó, ngành hàng hải, hàng không, đường sắt đều đang khẩn trương "đổi màu" cảng xanh, tàu xanh, tuyến vận tải xanh; chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đầy tham vọng của VN cũng là ngành sử dụng điện năng cực lớn…
PGS-TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ - quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), khẳng định kinh tế, công nghiệp càng phát triển, nhu cầu điện năng ngày càng cấp thiết. Các nước phát triển trên thế giới cũng đã phải công nhận ĐHN là nguồn năng lượng quan trọng để tiến đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0. Đây là nguồn điện ít phát thải vì không dùng năng lượng hóa thạch, đồng thời là nguồn năng lượng dồi dào, có thể chủ động trong thời gian dài, không bị phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết như điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, thời gian qua các nước đã liên tục cải tiến và tiếp tục phát triển, cho ra đời công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ 4 nên không còn lo ngại về vấn đề an toàn năng lượng.
Tuy nhiên, ông Lê Hùng Anh lưu ý một khi đã quyết tâm làm, thì nhà nước và các cơ quan chuyên môn cần xây dựng đề án chi tiết, trong đó đặt ra tất cả các bài toán quan trọng như nguồn cung nguyên liệu và phương án xử lý chất thải hạt nhân. Hiện bối cảnh địa chính trị thay đổi khó lường, cần tính tới phương án xử lý trong trường hợp những bất ổn kinh tế, chính trị làm gián đoạn nguồn cung phóng xạ để VN sản xuất ra ĐHN. Đồng thời, chất thải của nguồn năng lượng này cũng rất khó xử lý, có thể tồn tại trong đất tới vài trăm năm, gây ảnh hưởng tới môi trường cho các thế hệ sau. Cần học hỏi cách xử lý của các nước đi trước để tính toán địa điểm an toàn chôn lấp nguồn chất thải này.
Bình luận (0)