Sê San là một trong những dòng sông lớn của khu vực Tây nguyên, chảy qua hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum trước khi tới hạ lưu phía Campuchia. Nơi đây có nguồn thủy sản dồi dào, giúp nhiều người dân sống được bằng nghề đánh cá. Là dòng sông lớn với chiều dài hơn 200 km, lưu vực rộng, nguồn thức ăn phong phú nên ở đây có nhiều loại cá lớn như cá lăng, sọc dưa… Đặc biệt, con sông này còn có cả cá anh vũ, tương truyền là loài cá tiến vua ngày xưa.
tin liên quan
Ngư dân trúng đậm cá cơm cuối mùaCá nhiều, dọc hai bên dòng Sê San chòi câu được dựng lên san sát. Đó là nơi trú ngụ của những thợ săn cá lăng xuyên đêm với hàng chục lưỡi câu rải dọc theo bờ sông. Ở đó có những thợ câu gắn bó vài chục năm nay với dòng Sê San và cá lăng trở thành sản vật nuôi sống gia đình, là tiền cho con cái đi ăn học...
Trong khi đó, tại các bến đò, những ngày này cứ sáng sớm là thương lái lớn lại tìm đến mua cá sọc dưa, cá lăng tươi ngon về cung cấp cho nhà hàng ở TP.Pleiku và chuyển đi các tỉnh. Cá mới đánh lưới, câu về còn sống được bỏ vào bao bơm ô xy nên có thể sống cả ngày. Số khác được cấp đông để đảm bảo vị ngon của thịt cá trong thời gian chờ thương lái đến mua.
Chị Anh, một chủ hàng chuyên buôn bán các loại cá sông Sê San ở làng Jăng Blo, xã Ia Khai, H.Ia Grai (Gia Lai), cho biết: “Mới rạng sáng là các ngư phủ đã đem cá tới, đập cửa gọi. Cá gom được chỉ bỏ lại một ít bán cho người dân trong vùng, còn lại gửi theo xe đi hết vì hàng đã được đặt trước”. Hiện giá cá sọc dưa mua từ vựa có giá 200.000 đồng/kg, cá lăng, cá dầm xanh 250.000 đồng/kg…
Được mùa cá thì vui nhưng cũng là điều đáng lo, đó là cách khai thác nguồn lợi thủy sản theo kiểu tự phát của nhiều người sẽ kéo theo hệ quả: nguồn cá quý đang có nguy cơ tụt giảm cả về số lượng lẫn trọng lượng mỗi con cá bắt được. Nếu không có những biện pháp khai thác hợp lý, những loại cá này sẽ nhanh chóng trở thành của hiếm trên dòng Sê San…
Bình luận (0)