Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, tới đây mức đóng BHYT sẽ tăng lên để cân đối với quyền lợi mà người đóng bảo hiểm được hưởng, tránh tình trạng thâm hụt quỹ như thời gian gần đây. Ngoài ra, theo khẳng định của bà Xuyên, không lâu nữa, trẻ em dưới 6 tuổi, người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, học sinh và sinh viên cũng sẽ nằm trong diện đóng BHYT bắt buộc.
Trong báo cáo giám sát của mình, Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, quy định mức đóng BHYT của Việt Nam bằng 3% tiền lương là quá thấp, trong khi tỷ lệ này ở các nước cao hơn nhiều. Ví dụ ở Thái Lan, tỷ lệ đóng góp BHYT là 4,5% lương; Nhật Bản là 7-9% lương; Nga là 10%, và Đức là 12%.
"Việc Chính phủ quy định mệnh giá mua BHYT cho người nghèo là 50.000 đồng/thẻ (từ 2005 nâng lên 70.000 đồng/thẻ) là quá thấp. Chính quy định mệnh giá thấp đến năm 2006 khi các tỉnh thực hiện đồng loạt mua BHYT cho người nghèo và bỏ quy định cùng chi trả 20%, mở rộng quyền lợi chi trả dịch vụ y tế kỹ thuật cao cho người có BHYT... đã làm cho quỹ ở nhiều tỉnh mất cân đối nghiêm trọng" - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu dẫn chứng. Kết quả là trong 2 năm 2005 và 2006, quỹ BHYT đã mất cân đối gần 2.000 tỉ đồng, gần bằng số tiền tích lũy của quỹ này trong 12 năm thực hiện BHYT.
Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT từ mọi phía, theo bà Hoài Thu, cũng là nguyên nhân làm thâm hụt quỹ BHYT. "Cán bộ y tế đi khám, chữa bệnh nhiều hơn đối tượng khác, có bệnh án khám, chữa bệnh nội trú nhưng thực tế vẫn đi làm. Nhiều cơ sở y tế lạm dụng xét nghiệm lâm sàng, nhiều nơi trên 50% người bệnh khi khám chữa bệnh đều có chỉ định siêu âm. Đã bị tai nạn là chỉ định chụp chấn thương sọ não..." - bà nói.
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH đề xuất Chính phủ tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện BHYT, trên cơ sở đó, gấp rút chuẩn bị dự án Luật BHYT trình QH đúng thời hạn. Đa dạng hóa mức đóng, mức hưởng BHYT. Đặc biệt, tất cả hỗ trợ từ nguồn ngân sách để khám, chữa bệnh miễn phí cho một số đối tượng đều phải thực hiện bằng hình thức BHYT - trẻ em, người nghèo, đối tượng chính sách...
Đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua đồng ý với đề nghị của TAND TC sẽ thành lập Tòa án hôn nhân và gia đình thuộc cơ cấu tòa tối cao và tòa án cấp tỉnh nhưng chưa thống nhất được thời điểm thành lập. Tuy nhiên với tư cách là cơ quan thẩm tra tờ trình của TAND TC, Ủy ban Pháp luật lại không tán thành đề xuất của TAND TC.
Tuyết Nhung
Bình luận (0)