Cụ thể, từ ngày 1.7, quy định áp dụng niên hạn đối với các phương tiện đường sắt chính thức có hiệu lực. Theo Cục Đăng kiểm, dự kiến sẽ có gần 100 đầu máy, 200 toa tàu khách và gần 1.000 toa tàu hàng bị loại bỏ vì quá hạn sử dụng. Các doanh nghiệp vận tải đường sắt có thời hạn 3 năm (tới năm 2021) để thay thế các phương tiện quá niên hạn.
Trả lời Thanh Niên về phương án xử lý đối với hơn 1.000 toa xe hết "đát" này, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thanh viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ các quy định về niên hạn. Các toa xe, đầu máy hết niên hạn sẽ phải thực hiện thanh lý để đầu tư, nâng cấp mới.
Theo ông Minh, đến năm 2023, ngành đường sắt bắt buộc phải có một lượng lớn toa xe hành khách, toa xe hàng hóa cũng như đầu máy mới. Đây là áp lực đối với toàn ngành nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực thúc đẩy để ngành đường sắt cải tạo, đóng mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
VNR đang xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp với thời hạn áp dụng niên hạn để đảm bảo cải tạo, đóng mới các toa xe khác đáp ứng nhu cầu vận tải của ngành. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức điều hành chạy tàu để nâng cao năng suất, hiệu suất sử dụng của các đầu máy, toa xe.
"Vấn đề là sử dụng vốn đầu tư thế nào, phương án đầu tư ra sao. Điều này phụ thuộc từng thời kỳ cụ thể, từng giai đoạn và nguồn lực của từng đơn vị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút xã hội hóa vì độc lập VNR không thể hoàn thành nhiệm vụ đầu tư mới số lượng đầu máy, toa xe lớn như vậy" - ông Minh nói.
Cũng theo người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt, khó khăn lớn nhất trong việc thu hút xã hội hóa vào đường sắt là năng lực thông qua, kết cấu hạ tầng đường sắt hiện hữu. Lợi ích của đường sắt là lan tỏa phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi đi lại cho người dân. Vì thế nhà nước có trách nhiệm đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt cơ bản. Doanh nghiệp chỉ "nhảy" vào đầu tư những phần có tỷ suất sinh lời cao như dịch vụ bán hàng, phương tiện xếp dỡ, phương tiện vận tải... và các đường kết nối đến các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu, khu du lịch, cảng biển... Trong khi đó, đường sắt Việt Nam hiện nay là khổ đường đơn 1 m, năng lực thông qua yếu, tối đa đạt 21,5 đôi tàu/1 ngày đêm, khó để đầu tư hiệu quả các đường kết nối.
"Kết cấu hạ tầng đường sắt không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển là khó khăn lớn nhất để thu hút các nhà đầu tư. Muốn xã hội hóa, phải làm từng bước, từng hạng mục. Đối với đường sắt hiện hữu, VNR đang tích cực thu hút nguồn lực tư nhân vào các hạng mục như kho hàng, bến bãi, các nhà ga... dần dần sẽ tiến tới thu hút xã hội hóa vào các lĩnh vực vận tải, bảo dưỡng bảo trì..." - ông Minh cho hay.
Bình luận (0)