Chiều 8.6, làm việc với Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy (PC68, Công an TP.HCM), cho biết lãnh đạo phòng này đã nắm được thông tin báo phản ánh và đã yêu cầu các cán bộ có liên quan trong vụ việc làm kiểm điểm, viết tường trình.
[VIDEO] Những cuộc “kiểm tra” chớp nhoáng của CSGT trên sông Cần Giuộc
|
Theo thượng tá Thông, quy trình kiểm tra của CSGT đường thủy là đi theo tổ 3 chiến sĩ và di chuyển bằng ca nô. Mỗi ngày, các trạm (7 trạm) chia làm 2 ca để tuần tra, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên sông. Khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm thì lực lượng CSGT đường thủy phải phát tín hiệu, yêu cầu chủ phương tiện dừng lại. Sau đó, tổ công tác phải bước lên sà lan giải thích cho các chủ phương tiện thấy rõ hành vi vi phạm rồi tiến hành kiểm tra các giấy tờ liên quan như: hồ sơ phương tiện, bằng cấp người điều khiển, giấy tờ hàng hóa… Còn đối với phương tiện vận chuyển hành khách thì ngoài những giấy tờ trên, còn phải kiểm tra số lượng hành khách.
Nếu không có chướng ngại vật thì kiểm tra vậy là sai rồi !?
“Vậy thông thường thời gian mà CSGT kiểm tra 1 sà lan mất bao lâu?”, chúng tôi hỏi. Thượng tá Thông cho biết: “Tùy theo phương tiện mà mình kiểm tra nhanh hay lâu. Lâu là lâu lúc mình giải thích cho chủ sà lan thấy rõ hành vi vi phạm và lập biên bản tạm giữ giấy tờ”. “Vậy sau khi xem clip CSGT kiểm tra “chớp nhoáng” các phương tiện trên Thanh Niên, ông thấy quy trình kiểm tra của CSGT là đúng hay sai?”, chúng tôi tiếp tục hỏi.
Thượng tá Thông nói: “Vấn đề này chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Phải xem lại lý do vì sao các chiến sĩ này kiểm tra nhanh như vậy. Nếu đúng là phương tiện đang chạy, phía trước không có chướng ngại vật thì việc kiểm tra như vậy là sai rồi. Chúng tôi đang chờ tổ kiểm tra của phòng xác minh các thông tin mà Báo Thanh Niên phản ánh để có phương án xử lý kịp thời”.
Thượng tá Thông cho biết thêm trong một số trường hợp tổ công tác kiểm tra nhanh như vậy là vì phía trước sà lan có các “chướng ngại vật” như cầu vượt hoặc ngã ba sông nên không ra hiệu lệnh dừng ở đó mà chạy song song để nhắc nhở chủ sà lan cập vào những nơi an toàn hơn để kiểm tra.
Liên quan đến việc nhiều chủ sà lan “tố” phải đóng “hụi chết” cho CSGT, thượng tá Thông cho biết: “Sẽ xác minh, kiểm tra lại”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong nhiều ngày ở sông Cần Giuộc thì tổ công tác CSGT thường kiểm tra chớp nhoáng các sà lan rồi đi chứ không có hiện tượng phía trước sà lan “có chướng ngại vật” nguy hiểm đến mức phải buộc nhắc nhở chủ phương tiện di chuyển đến chỗ an toàn để kiểm tra.
“Hiện tại, chúng tôi đã thành lập tổ công tác chuyên biệt để xác minh các thông tin mà Báo Thanh Niên phản ánh; đồng thời kiểm tra đột xuất các khu vực quản lý để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các chiến sĩ ở các trạm làm sai quy trình, có thái độ không chuẩn mực với chủ phương tiện, người dân”, thượng tá Thông nói.
Cảng vụ xử lý nhanh, kỷ luật 5 cán bộ
Ngày 8.6, ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, cho biết ngay sau khi PV Thanh Niên cung cấp các chứng cứ liên quan đến sai phạm của các cảng vụ viên, hội đồng kỷ luật của cơ quan này đã tổ chức họp và quyết định kỷ luật 5 cán bộ thuộc đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa số 1.
Cụ thể, cách chức ông Phạm Thanh Phong, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa số 1, xuống làm Phó trưởng đại diện vì không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Đoàn Mậu Công, Phó trưởng đại diện số 1 vì không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý, để viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
2 chuyên viên cảng vụ là Đoàn Phi Hùng, Vũ Việt Hùng (2 cán bộ trong clip mà Thanh Niên phản ánh), bị kỷ luật cảnh cáo vì không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Trần Văn Tân, Tổ trưởng Tổ cảng vụ thuộc đại diện Cảng vụ đường thủy số 1, cũng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Ngoài ra, một phó trưởng đại diện khác là ông Huỳnh Văn Khoan cũng bị phê bình vì chưa thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát tại đại diện Cảng vụ đường thủy số 1. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cảng vụ đường thủy cũng đã ký quyết định luân chuyển công tác đối với ông Phạm Thanh Phong, Đoàn Mậu Công; điều động ông Đoàn Phi Hùng, Vũ Việt Hùng sang vị trí công tác khác.
Báo Thanh Niên ghi nhận sự cầu thị của lực lượng Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, khi nhanh chóng tiếp nhận phản ánh và xử lý nhanh các cán bộ có sai phạm.
|
Bình luận (0)