Sẽ xử lý bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng

26/07/2011 00:23 GMT+7

Tiến sĩ Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K, đã cho biết như vậy sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Nhập nhèm thực phẩm chữa ung thư.

“Chúng tôi không đả kích thực phẩm chức năng (TPCN) và nếu bệnh nhân có nhu cầu thì bác sĩ tư vấn cho họ dùng thêm. Tuy nhiên, vấn đề này phải rõ ràng, không phải là kê trên đơn thuốc”, TS Diệu nói. Theo ông Diệu, “Trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi vẫn quán triệt bác sĩ tuyệt đối  không được kê đơn TPCN cho bệnh nhân. Mục đích là tránh hiện tượng “hoa hồng” cho bác sĩ và gánh nặng về tài chính cho bệnh nhân”.

Ông Diệu cũng khẳng định bác sĩ kê đơn TPCN cho bệnh nhân là làm sai với chỉ đạo của bệnh viện. “Chúng tôi rất cảm ơn Báo Thanh Niên đã phát hiện, góp ý và đề nghị báo chuyển các đơn thuốc liên quan để có cơ sở xử lý những bác sĩ làm sai”, ông Diệu đề nghị.

TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K, lưu ý các loại TPCN qua nhiều nghiên cứu cho thấy không có tác dụng chữa ung thư hoặc tác dụng không rõ ràng. Tuy nhiên, một số loại cũng có tác dụng nâng cao sức đề kháng, nâng cao miễn dịch cho người bệnh, điều quan trọng là bác sĩ cần nói rõ cho bệnh nhân biết.  

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết về quy chế, không được kê đơn TPCN. Có thể bệnh nhân đó hỏi bác sĩ về việc sử dụng TPCN thì bác sĩ tư vấn để bệnh nhân có được cách sử dụng phù hợp với sức khỏe cũng như điều kiện kinh tế nhưng không được gây hiểu lầm đó là sản phẩm chữa bệnh. Nhưng nếu việc kê đơn TPCN như là "ép" người bệnh mua là việc tuyệt đối nghiêm cấm. Phần lớn TPCN có giá cao, việc lạm dụng kê đơn TPCN sẽ làm tăng gánh nặng điều trị. 

 Bác sĩ - tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, cho biết: “Hiện nay có tình trạng người bệnh cầm một cái đơn thuốc do bác sĩ kê nhưng không biết thuốc nào là thực sự cần, thuốc nào là không. Không theo thì lo sợ về tình trạng bệnh tật, còn nếu theo sẽ gây cho mình một gánh nặng về tài chính mà không biết có thu được kết quả gì”.

Cũng theo ông Tuấn, đặc trưng trong chăm sóc khi y  tế là người dân khi bị bệnh hoàn toàn dựa vào bác sĩ, điều này dẫn đến sự “lạm quyền” của bác sĩ mà trong đó có nguyên nhân về lợi ích. Trong nền kinh tế thị trường có thể coi bác sĩ, bệnh viện là bên cung cấp dịch vụ và bệnh nhân là nguồn thu thì cần phải có một bộ phận giám sát độc lập, đứng trên quan điểm hỗ trợ bệnh nhân. “Ở nhiều nước trên thế giới thường có các hiệp hội đứng về phía người bệnh, giúp họ tư vấn về thuốc, về tình trạng bệnh cũng như đánh giá về phương pháp điều trị. Còn ở ta thì không có và chúng tôi nhận thấy trong mối quan hệ với bên cung cấp dịch vụ y tế, bệnh nhân luôn là người yếm thế”, bác sĩ Tuấn nói.

Thái Sơn - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.