Sẽ xử lý nghiêm vụ sạt bãi thải mỏ than Phấn Mễ

21/04/2012 13:59 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khi trả lời phóng viên Báo Thanh Niên về hướng xử lý vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên) khiến 1 người chết, 1 người bị thương, 5 người đang bị vùi lấp.

* Sau 7 ngày tìm kiếm, hiện vẫn còn 5 người bị vùi lấp dưới đống đất đá ở bãi thải Phấn Mễ, sắp tới tỉnh sẽ làm gì để công tác cứu hộ đạt hiệu quả, thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long: Đến nay, tỉnh đã huy động tối đa phương tiện và con người để tìm kiếm các nạn nhân. Hiện đang có 15 máy xúc, 2 máy ủi, 21 ô tô chuyên dùng, 1 máy địa bức xạ, 7 chó nghiệp vụ và hơn 600 người làm việc 24/24 để tìm kiếm các nạn nhân. Rất nhiều đơn vị đề nghị được hỗ trợ tăng cường máy móc, thiết bị nhưng ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn phải từ chối vì mặt bằng hẹp, không thể cho quá nhiều xe, máy vào hoạt động.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã mời các chuyên gia về hầm mỏ người Canada, Úc hiện đang công tác tại Thái Nguyên đến hiện trường để hỗ trợ công tác tìm kiếm.


Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên (đội mũ vàng) chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân - Ảnh: Hải Đăng

Sau khi được người dân địa phương chỉ vị trí các ngôi nhà trước khi bị vùi lấp, kết hợp với máy trắc địa, phân tích của chuyên gia..., lực lượng cứu hộ đã xác định được khu vực các nạn nhân đang bị vùi lấp.

Khu vực này rộng khoảng 30-40 m, lực lượng cứu hộ đang cho đào từ ngoài vào trong, theo kiểu cuốn chiếu. Phương án này có thể mất nhiều công sức và thời gian nhưng sẽ làm rất kỹ và là phương án có tính khả thi nhất hiện nay. Quan điểm của tỉnh là sẽ làm hết sức, dù có tốn kém bao nhiêu cũng phải huy động nhân lực, vật lực tìm kiếm các nạn nhân. 

Đến chiều qua, các máy xúc đã đào thêm được hũ gạo bị chôn vùi, trước đó đã tìm thấy xe máy, xác gia súc…, chúng tôi tin là sẽ tìm thấy các nạn nhân trong một vài ngày tới.

* Những gia đình gặp nạn và những hộ có nhà trong vùng nguy hiểm của mỏ Phấn Mễ đã và sẽ được hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Mỏ Phấn Mễ đã hỗ trợ 40 triệu đồng cho gia đình có người mất và 2 triệu đồng/khẩu đối với các hộ bị di dời.

Ngân sách địa phương cũng hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ phải di chuyển nhà ở, hỗ trợ cho gia đình có người chết và mất tích 5 triệu đồng/hộ…

Chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ 13 hộ dân ở xung quanh bãi thải Phấn Mễ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Hiện đã có trên 70 cá nhân, tổ chức ủng hộ số tiền trên 500 triệu đồng cho các gia đình gặp nạn.

UBND huyện Đại Từ đã bố trí một khu đất để tái định cư cho toàn bộ các hộ dân ở khu vực gần bãi thải, kể cả hộ đã bị sạt lở và những hộ chưa bị sạt lở. Đây là giải pháp căn cơ, ổn định lâu dài cho cuộc sống người dân. Trong thời gian các hộ di dời đến ở nhà người quen sẽ được hỗ trợ kinh phí thuê nhà, phí sinh hoạt.

* Thưa ông, trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu mỏ khác cũng đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Là chủ tịch UBND tỉnh, ông có chỉ đạo gì để tránh những vụ việc như ở Phấn Mễ?

- Ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Phấn Mễ, tôi đã ký công văn yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp kiểm tra ngay lập tức các điểm mỏ, bãi thải có nguy cơ sạt lở. Vị trí nào có nguy cơ cao phải tạm dừng sản xuất, dừng đổ thải để di dời ngay lập tức các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ.

Tại mỏ than Khánh Hòa, chúng tôi đã di dời ngay một trường mầm non nằm gần bãi thải để phòng ngừa rủi ro.

UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và các địa phương kiểm tra toàn bộ các mỏ trên địa bàn tỉnh.

Đoàn thanh tra sẽ kiểm tra toàn diện, cả ở bãi thải, điều kiện an toàn lao động…, mỏ nào không đảm bảo an toàn sẽ đình chỉ hoạt động ngay để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc, nhất là khi mùa mưa sắp tới.

* Lãnh đạo tỉnh có kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan đến vụ việc?

- Đây là vụ việc rất đau xót, trước mắt là chúng tôi sẽ dồn mọi nguồn lực, với quyết tâm cao nhất để tìm kiếm nạn nhân, khắc phục hậu quả.

Lãnh đạo tỉnh đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo mỏ, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, chính quyền địa phương làm văn bản báo cáo, chỉ ra nguyên nhân xảy ra vụ việc.

Sau khi việc tìm kiếm, khắc phục hậu quả kết thúc, chúng tôi sẽ có đoàn kiểm tra gồm các nhà chuyên môn, nhà quản lý để xác định chính xác, khách quan nguyên nhân sạt lở, làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan, đơn vị nào để xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức vi phạm. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, công an sẽ khởi tố, điều tra xử lý theo luật.

* Xin cảm ơn ông!

Káp Thành Long - Lê Quân
(thực hiện)

>> Bãi thải mỏ than Phấn Mễ vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở
>> Dân ở gần bãi thải được cấp đất để di dời
>> Cảnh báo vụ sạt lở bãi thải thứ 2 ở Thái Nguyên
>> Kiểm tra toàn bộ hồ sơ tại mỏ than Phấn Mễ
>> Hé lộ nguyên nhân sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ
>> Xem thường tính mạng của người dân
>> Vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ: Nỗi sợ hãi kéo dài nhiều năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.