Sau khi trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại P.Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai, Hà Nội chiều 5.10, Phó chủ tịch UBND TP.Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố nhấn mạnh: “Sẽ xử phạt hành chính gia đình không hợp tác phòng dịch SXH”.
Hướng dẫn người dân diệt bọ gậy tại P.Dương Nội, Q. Hà Đông, HN - Ảnh: Hạnh Ngân
|
Theo Sở Y tế Hà Nội, đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 3.300 ca SXH tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn, hiện còn gần 200 bệnh nhân SXH đang điều trị tại các cơ sở y tế. P.Hoàng Văn Thụ là đơn vị trọng điểm về phòng chống dịch bệnh SXH của thành phố. Tại đây, hiện có 7 bệnh nhân SXH với 3 ổ dịch đang hoạt động, nâng tổng số bệnh nhân SXH toàn Q.Hoàng Mai đang điều trị là 69 ca bệnh. Mặc dù đã thực hiện 4 lần tổng vệ sinh môi trường nhưng dịch bệnh tại phường có chiều hướng gia tăng, trong đó một phần nguyên nhân do người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch. Ở một số nơi, người dân không hợp tác với nhân viên phun hóa chất diệt muỗi khi có yêu cầu của cơ quan y tế; phát tán các vật dụng phế thải có chứa loăng quăng muỗi truyền bệnh SXH, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch...
Phó chủ tịch UBND TP.Nguyễn Văn Sửu yêu cầu P.Hoàng Văn Thụ và toàn Q.Hoàng Mai tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống dịch; huy động cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể cùng vào cuộc quyết liệt cùng với ngành y tế Thủ đô dập dịch; cần giám sát bệnh nhân mới và giám sát ổ bọ gậy, mật độ muỗi để xử lý môi trường. Đặc biệt, các gia đình cần hợp tác với cơ quan y tế phun thuốc diệt muỗi; thả cá diệt bọ gậy ở nơi trữ nước và thu gom phế thải, không để nước đọng trở thành ổ chứa bọ gậy muỗi SXH. “Sáng thứ Bảy hằng tuần, toàn thành phố cần thực hiện tổng vệ sinh môi trường. Gia đình không hợp tác phòng dịch SXH thì sẽ bị xử phạt hành chính nhằm hạn chế ca bệnh mới đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần đến cơ sở y tế khi có biểu hiện nghi mắc SXH để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, tránh nhập viện do diễn biến nặng, tăng nguy cơ tử vong. SXH thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi...
Các chuyên gia lưu ý, SXH truyền sang người qua muỗi đốt; không lây qua đường ăn uống hay dùng chung đồ dùng.
Bình luận (0)