Về vấn đề Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất (thép Hòa Phát) được cấp phép nhận chìm chất thải nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất xuống biển Quảng Ngãi, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên - Môi trường (Bộ TN-MT) chiều 27.3, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên, ông Vũ Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT), cho biết sẽ yêu cầu dừng nhận chìm nếu phát hiện bất thường.
Ông Sơn cho biết, theo quy định của Nghị định 40 và Nghị định 51 về việc cấp phép nhận chìm cho doanh nghiệp, thép Hòa Phát xin nhận chìm 15,39 triệu m3 xuống biển Quảng Ngãi. Theo quy định, việc giao khu vực biển đối với dự án có khối lượng nhận chìm lớn như vậy thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
“Doanh nghiệp thép Hòa Phát đã nộp hồ sơ liên thông và chúng tôi thẩm định cả 2 hồ sơ này. Sau khi Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ TN-MT giao 180 ha diện tích biển cho thép Hòa Phát, Bộ TN-MT đã ký cấp phép nhận chìm từ ngày 21.2. Đồng thời, giao khu vực biển để nhận chìm rộng 180 ha thuộc vùng biển ở Quảng Ngãi trong cùng ngày này”, ông Sơn nói.
|
Cũng theo ông Sơn, về vấn đề kiểm tra giám sát quá trình nhận chìm khối lượng chất thải nạo vét lớn của thép Hòa Phát xuống biển Quảng Ngãi, ngày 19.3 vừa qua, lãnh đạo Bộ TN-MT ký quyết định thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra giám sát hoạt động nhận chìm này.
Tiếp theo đó là trách nhiệm trong giấy phép nhận chìm đã ghi rất rõ hoạt động quan trắc, đánh giá tác động nhận chìm hơn 15 triệu m3, chủ dự án phải thuê tư vấn để đặt các trạm quan trắc tốc độ lan truyền của vật liệu mịn, tức là bùn sét, quan trắc chất lượng nước và các yếu tố môi trường, hệ thống trạm quan trắc được quy định rất rõ trong giấy phép.
“Thép Hòa Phát phải thường xuyên định kỳ báo cáo cho Bộ TN-MT, phía Bộ cũng như tổ công tác liên ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Trong trường hợp có vấn đề gì ảnh hưởng đến môi trường thì lập tức dừng hoạt động nhận chìm lại”, ông Sơn nói.
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Bộ TN-MT đã có quyết định cho phép đơn vị này được nhận chìm vật chất ở biển. Theo đó, khối lượng vận chất được nhận chìm gồm 2 giai đoạn là 15,39 triệu m3, trong đó cát chiếm khoảng 86,4%, bùn sét chiếm khoảng 13,6%.
Toàn bộ khối lượng vật chất được phép nhận chìm ở biển là chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Địa điểm nhận chìm thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, với tổng diện tích khu vực biển sử dụng để nhận chìm là 180 ha, độ sâu sử dụng từ 51 - 55 m.
Phương tiện chuyên chở và cách thức nhận chìm: sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 - 35.000 m3, mỗi loại tàu vận chuyển 3 chuyến/ngày; nhận chìm theo hình thức xả đáy. Thời điểm và thời hạn thực hiện hoạt động nhận chìm 15 tháng, từ ngày 1.3.2019 đến hết ngày 31.5.2020.
|
Bình luận (0)