Dù thể dục dụng cụ giành thêm 2 HCV chiều qua, nhưng chứng kiến những gì diễn ra ở SEA Games 28, thật sự không còn sướng khi kỳ tích 11 HCV đã chắc chắn không thể lặp lại. Ngược lại, với chiếc huy chương vàng thứ 6 của Ánh Viên, bơi lội VN đã làm nên lịch sử.
Ánh Viên giành HCV thứ 6, phá 7 kỷ lục SEA Games - Ảnh: Khả Hòa
|
Phát cuồng với Ánh Viên
Cả Nhà thi đấu OCCB Aquatic Singapore tối qua như rung lên từng đợt khi Ánh Viên lao như mũi tên xé nước ở 2 nội dung sở trường 200 m bướm và 200 m tự do.
Tiếng hò reo vang dội khi 2 lần Ánh Viên chạm đích thì cả 2 lần bảng điện tử hiện lên GR (game record). Mọi người VN có mặt trên sân như phát cuồng ôm chầm lấy nhau và nhảy lên hạnh phúc. Nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Hương có mặt trên khán đài đã phải thốt lên: “Ánh Viên tuyệt vời quá. Cô ấy quả thật quá xuất sắc”.
Còn Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn ngồi đối diện với đích đến đã bật khỏi ghế, lao xuống sát bờ tường khán đài vỗ tay liên tục: “Hay quá, tự hào quá Viên ơi”. Quả đúng là tự hào thật khi với thêm 2 HCV và phá 2 kỷ lục, Ánh Viên đã nâng tổng số lên 6 HCV và 7 lần phá kỷ lục SEA Games cho riêng cô, đồng thời giúp bơi lội VN có 7 HCV, chính thức vượt qua kỳ SEA Games 2013 tại Myanmar (chỉ có 5 HCV).
Ấn tượng nhất chính là nội dung 200 m tự do khi vòng loại Ánh Viên thi không tốt, chỉ đạt 2 phút 08 giây 52 và phải bơi ở đường số 2 rất bất lợi, nhưng kình ngư VN đã làm ngỡ ngàng mọi người khi về nhất với 1 phút 59 giây 27, trở thành người đầu tiên của Đông Nam Á kéo thành tích xuống dưới 2 phút, hơn kỷ lục cũ tồn tại 6 năm qua của Quah Ting Wen đến 1 giây 30.
“Nỗi đau” của thể dục
Hai HCV của Phan Thị Hà Thanh ở môn sở trường nhảy chống và Đặng Nam ở môn vòng treo có thể xem là kết quả thành công trong 5 nội dung chung kết đơn môn ngày đầu của thể dục dụng cụ (TDDC) VN vào chiều qua. Nhưng tâm trạng của thầy trò HLV Nguyễn Kim Lan, Trương Tuấn Hiền và toàn đội TDDC lại không thật phấn khởi. Bà Lan đứng bần thần hồi lâu, sau đó chạy đến vỗ về từng VĐV, còn ông Hiền có vẻ suy tư, chốc chốc lại đưa tay bóp đầu sau khi 2 nội dung khác của nam là thể dục tự do và ngựa tay quay đã bị vuột mất thành tích cao nhất.
Cũng phải, bởi nếu so với kết quả mà TDDC giành được trên đất Indonesia năm 2011 thì thành tích đơn môn lần này kém hơn. Chẳng hạn thể dục tự do, Hoàng Cường từng giành HCV nhưng lần này cả Phạm Phước Hưng lẫn Lê Thanh Tùng đều bị rớt lại do bài biểu diễn không thực sự lôi cuốn.
Còn với ngựa tay quay, dù đây không phải là sở trường của VĐV VN và có mất vàng cũng không bất ngờ, nhưng lẽ ra nhà vô địch toàn năng Đinh Phương Thành có thể làm tốt hơn, đủ sức cạnh tranh ngôi vô địch với VĐV Thái Lan, nhưng Thành lại mắc sai sót đáng tiếc bị rớt chân xuống đất khi đang thực hiện độ khó và bị trừ điểm. Tương tự như vậy, bài thi xà lệch của Hà Thanh trong điều kiện đối thủ khó chịu nhất là Abdul Hadi của Malaysia đã té ngã khi chuyển xà thì cô gái vàng VN cũng không tận dụng được cơ hội khi cũng rớt tay ngã té, tụt xuống thứ 6.
Đó chính là nỗi đau của TDDC vì cho dù có thắng 4/5 nội dung đơn môn còn lại trong hôm nay thì TDDC VN cũng chỉ có cao lắm 9 HCV, chưa thể sánh với kỳ tích năm 2011.
Bình luận (0)