Chỉ từ các bức ảnh đăng trên Facebook hay Instagram hoặc thậm chí là ảnh xuất hiện trên báo mạng, tin tặc ngày nay có thể “luộc” tất cả những dấu hiệu sinh trắc dùng xác nhận bảo mật như khuôn mặt, mắt, vân tay… rồi chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện tử, tài khoản ngân hàng...
Trong đó, vân tay là dễ bị đánh cắp nhất, theo cảnh báo mới từ các chuyên gia thuộc Viện Tin học quốc gia Nhật Bản (NII).
Nhân bản dấu vân tay
|
“Trong một cuộc thí nghiệm, chúng tôi có thể xây dựng lại dấu vân tay đầy đủ được từ khoảng cách xa đến 3 m trong một bức ảnh chụp rõ nét, lấy ánh sáng tốt và có độ phân giải cao”, ông Echizen cho hay.
Tương tự, trong hội nghị mới đây tại Berlin (Đức) của Chaos Computer Club, diễn đàn công nghệ lớn nhất châu Âu chuyên về bảo mật, các chuyên gia cảnh báo mọi đặc điểm nhận dạng xuất hiện trong các bức ảnh đều có thể bị tái tạo. Nguy cơ này càng tăng khi cuộc đua tăng cường độ phân giải camera trên các điện thoại thông minh ngày nay để cho ra các bức ảnh cực nét vô tình hỗ trợ cho thủ phạm.
Theo tờ The Guardian, tại hội nghị, tin tặc “mũ trắng” nổi tiếng Jan Krissler đã trình diễn cách tái tạo dấu vân tay của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen một cách dễ dàng. Sử dụng một ứng dụng khá phổ thông mang tên Verifinger cùng một bức ảnh chụp cận cảnh ngón tay bộ trưởng kết hợp với một số ảnh khác lấy từ báo chí, Krissler có thể tạo ra dấu vân tay hoàn chỉnh của bà Leyen.
Cũng bằng thủ thuật tương tự nhưng sử dụng phần mềm chuyên dụng phức tạp hơn, tin tặc này thậm chí sao chép được mắt của Thủ tướng Angela Merkel. “Các chính trị gia sắp tới có thể phải đeo găng và kính áp tròng mỗi khi xuất hiện trước công chúng”, Krissler phát biểu nửa đùa nửa thật.
|
Hiểm họa tiềm tàng
Từ tình trạng trên, các chuyên gia bảo mật cảnh báo nguy cơ thông tin cá nhân bị đánh cắp ngày càng cao với đà phát triển của thủ thuật làm giả dấu hiệu sinh trắc và công nghệ chụp ảnh độ nét cao. “Chúng ta để lại dữ liệu sinh trắc ở khắp mọi nơi, từ mọi thứ chúng ta chạm vào cho đến những bức ảnh selfie trên mạng xã hội. Một khi dữ liệu nhận dạng bị đánh cắp và bán lại trên các trang web đen, nguy cơ quyền kiểm soát cuộc sống lọt vào tay kẻ xấu sẽ đeo bám nạn nhân đến suốt đời”, tờ The Telegraph dẫn lời chuyên gia sinh trắc học Robert Capps tại Công ty NuData Security (Canada) nói. Bên cạnh đó còn là nguy cơ an ninh khi công nghệ nhận dạng sinh trắc đang được nhiều nước áp dụng để kiểm soát tại các cửa khẩu cũng như theo dõi nhập cư.
Hiện Viện NII tại Nhật cho biết đã tạo ra một tấm phim trong suốt làm từ titanium oxide có thể đặt trên các ngón tay để che giấu dấu vân tay trong ảnh, song không cản trở quá trình mở khóa các thiết bị dùng công nghệ dấu vân tay. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu phương pháp ứng dụng khả thi và tiện lợi nhất vì không thể đòi hỏi con người đeo tấm phim này thường xuyên.
Mặt khác, theo chuyên trang Phone Arena, Hãng công nghệ Synaptics (Mỹ) kêu gọi kết hợp cả đọc vân tay lẫn quét mắt mỗi khi cần mở khóa điện thoại, máy tính bảng, thực hiện giao dịch ngân hàng hoặc mua hàng qua mạng... Tuy nhiên cũng như biện pháp tấm phim của NII, đề xuất mới tỏ ra quá phiền toái.
Vì thế, trước mắt, giới chuyên gia khuyến cáo cách tự bảo vệ đơn giản nhất là hạn chế đăng ảnh mang tính riêng tư lên mạng, mang kính áp tròng khi chụp ảnh và cố gắng không hướng lòng bàn tay, nhất là đầu ngón tay, vào ống kính khi tạo dáng.
Nhận dạng cả khủng bố
Ngoài các nguy cơ, việc có thể trích xuất dấu hiệu sinh trắc từ ảnh cũng có tác dụng bất ngờ. Theo báo International Business Times, các nhà khoa học thuộc Đại học Mu'tah ở Jordan công bố đã thí nghiệm thành công về nhận dạng phần tử khủng bố thông qua dấu hiệu chữ V.
Lâu nay, hình ảnh trên truyền thông xã hội cho thấy nhiều nghi phạm khủng bố, nhất là thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), rất thích chụp ảnh “tự sướng” và có thói quen giơ tay chữ V để thể hiện chiến thắng.
Theo nhóm nghiên cứu do chuyên gia Ahmad Hassanat đứng đầu, dù các đối tượng trong ảnh thường mang găng tay nhưng kích thước ngón tay và góc giữa các ngón đều có thể được sử dụng như biện pháp nhận dạng. Kết quả thí nghiệm cho thấy phương pháp mới cho kết quả chính xác đến 90%.
|
Bình luận (0)