Theo Bloomberg, việc đưa S.F. Express lên sàn chứng khoán cũng giúp đẩy tên nhà sáng lập S.F. Express Wang Wei lên hàng tỉ phú giàu thứ ba Trung Quốc.
Đây là sự đảo ngược hoàn toàn cho một công ty từng khởi đầu trong lĩnh vực kinh doanh bị cho là “giao hàng đen” vào thập niên 1990. Khi đó, chỉ có các bưu điện mới được phép xử lý kiện hàng. Công ty chuyển phát nhanh do ông Wang sáng lập “sống trong bóng tối” 16 năm cho đến khi bị chính phủ Trung Quốc xử phạt.
“Khi S.F. Express bắt đầu cung cấp dịch vụ vận chuyển bưu kiện vào thập niên 1990, hãng vẫn còn là doanh nghiệp bất hợp pháp gọi là “giao hàng đen”. Theo luật khi đó, chúng tôi bị phạt nếu hoạt động của chúng tôi bị nhân viên bưu điện phát hiện. Vì thế chúng tôi phải xử lý gói hàng một cách lén lút”, ông Wang chia sẻ hồi năm 2011.
Hiện tại, hãng chuyển phát nhanh này có 36 chiếc máy bay chở hàng và khoảng 15.000 phương tiện vận chuyển. Công ty báo cáo doanh thu là 481 tỉ nhân dân tệ năm 2015, cao nhất trong số các hãng giao nhận Trung Quốc. Hãng còn có dự định xây sân bay hàng hóa tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
|
Hồi tuần trước, S.F. Express được niêm yết lên sàn chứng khoán Thâm Quyến. Trước đó, kế hoạch niêm yết cửa sau (hay thâu tóm ngược) này được phê duyệt vào tháng 12.2016 và được thúc đẩy nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc. S.F. Express lên sàn giúp cổ phiếu công ty mẹ của hãng là S.F. Holding Co. tăng 59%, giúp ông Wang có thêm 26,5 tỉ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires.
Ông Wang và năm tỉ phú ngành giao nhận khác, trong đó có nhà sáng lập ZTO Express, hãng vừa lên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) tháng 10.2016, đã và đang có tài sản tăng lên đáng kể trong 5 tháng vừa qua. Tổng cộng, họ thu về khoảng 47 tỉ USD. Các doanh nghiệp giao nhận hưởng lợi từ cơn sốt mua sắm trực tuyến do Alibaba Group tạo ra.
Các doanh nghiệp trên kiếm tiền trên thị trường vốn trong thời gian ngắn bằng cách sử dụng tuyến đường nhanh hơn gọi là niêm yết cửa sau hay thâu tóm ngược. Niêm yết cửa sau là việc một công ty không niêm yết trở thành công ty niêm yết do hệ quả của việc thâu tóm quyền kiểm soát công ty niêm yết.
Động thái trên chỉ ra nhiều khó khăn tiềm ẩn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tăng cao, đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều, biên lợi nhuận hạ xuống. Cuộc đua gọi vốn và mở rộng đến các thành phố nhỏ hơn sẽ xác định doanh nghiệp nào trụ vững, doanh nghiệp nào bị loại.
|
Giám đốc tài chính James Guo của hãng giao nhận ZTO Express cho biết: “Các hãng lớn đang ngày càng lớn hơn, trong khi các công ty nhỏ dần dần bị loại bỏ”. Ông Guo dự báo rằng sẽ chỉ có hai công ty giao nhận lớn tồn tại trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, mỗi hãng hưởng 20% thị phần. Chưa đầy 10 doanh nghiệp khác sẽ đứng hạng nhì với mỗi công ty nắm ít hơn 10% thị phần.
“Ngành công nghiệp đã đi qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ ban đầu. Các công ty phải nâng cao hiệu quả hoạt động, nếu không họ sẽ bị các đối thủ cạnh tranh thâu tóm”, nhà phân tích Su Baoliang thuộc Sinolink Securities cho hay. Ông ước tính tăng trưởng doanh thu của ngành giao nhận hạ xuống 15% trong 2-3 năm tới từ mức 40% hiện thời.
Dù vậy, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tính toán cơ hội từ ông chủ Alibaba Jack Ma và lời hứa liên kết 1 triệu doanh nghiệp nhỏ Mỹ và khách mua Đại lục của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
John Song, Giám đốc logistics và vận chuyển Trung Quốc tại hãng tư vấn Deloitte, cho hay: “Không chỉ trong thập niên qua, vài năm tiếp theo cũng sẽ là thời kỳ vàng son cho sự phát triển của ngành giao nhận Trung Quốc”. Trong 19 năm qua, giá giao nhận một gói hàng trung bình hạ 57% xuống còn 12,8 nhân dân tệ ở Đại lục, theo Bưu cục Nhà nước Trung Quốc, cơ quan quản lý dịch vụ bưu chính. Ở Mỹ, chi phí vận chuyển một gói hàng trung bình là 10 USD.
tin liên quan
Tỉ phú Jack Ma gặp ông Donald Trump, hứa tạo 1 triệu việc làm tại MỹNhà sáng lập kiêm chủ tịch hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba vừa gặp gỡ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tại Trump Tower hôm 9.1.
Bình luận (0)