Serie A đột nhiên toàn ‘chú lùn’

19/05/2015 14:03 GMT+7

(TNO) Cuối tuần qua, đội bóng Frosinone chính thức thăng hạng Serie A, theo chân đội bóng nhỏ trước đó là Carpi. Việc có nhiều đội bóng tỉnh lẻ chơi ở Serie A khiến nhiều ông chủ lớn e ngại giải đấu hàng đầu nước Ý mất hấp dẫn với các khán giả truyền hình.

(TNO) Cuối tuần qua, đội bóng Frosinone chính thức thăng hạng Serie A, theo chân đội bóng nhỏ trước đó là Carpi. Việc có nhiều đội bóng tỉnh lẻ chơi ở Serie A khiến nhiều ông chủ lớn e ngại giải đấu hàng đầu nước Ý mất hấp dẫn với các khán giả truyền hình.

Frosinone lần đầu thăng hạng lên Serie A - Ảnh: AFP

Các đội bóng giàu truyền thống hơn như Vicenza, Bologna, Spezia, Perugia, Avellino, Livorno sẽ đấu play-off để tranh một suất lên hạng Serie A còn lại. Xuống Serie B mùa tới sẽ là Parma, Cagliari, Cesena.

Frosinone đại diện cho thị trấn 46.000 dân, thành lập năm 1912, chưa bao giờ chơi ở Serie A. Mùa trước, họ vẫn đang chơi ở giải hạng 3. Carpi đại diện cho thị trấn 70.000 dân ở vùng Emilia Romagna, cũng lần đầu tiên lên chơi Serie A.

Cả hai đội đều sử dụng hầu hết cầu thủ người Ý. Đội hình Carpi tuổi trung bình 24,4, tổng quỹ lương hàng năm 3 triệu euro, năm ngoái lợi nhuận 50.000 euro. Frosinone có tuổi trung bình 26,4, dựa vào cặp tấn công Daniel Ciofani và Federico Dionisi cộng lại từng chơi 4 trận ở Serie A. Đây có thể xem là những câu chuyện thần tiên của bóng đá, và cũng có thể xem là niềm tự hào của những cầu thủ bản địa trước tình trạng tràn ngập cầu thủ nước ngoài ở các giải bóng đá.

Tất nhiên, Carpi và Frosinone phải nâng cấp đội hình dự Serie A nhưng họ có thể học theo hình mẫu của Empoli từ thành phố 48.000 dân trụ hạng vài năm qua với đội hình chủ yếu là người Ý và tổng quỹ lương mỗi mùa 11 triệu euro. Hay như Sassuolo ở lại Serie A hai mùa liên tiếp dựa vào những cầu thủ bản địa giá rẻ.

Chủ tịch Lazio Lolito là người phản đối mạnh mẽ việc các đội bóng nhỏ góp mặt ở Serie A - Ảnh: AFP

Nhưng không phải bao giờ những câu chuyện thần tiên như vậy cũng được chấp nhận, nhất là trong xã hội cái gì cũng nói đến tiền này. Người phản đối ra mặt nhất là Claudio Lolito, chủ tịch CLB Lazio. Đoạn hội thoại của Lolito đến một quan chức bóng đá Ý khác đã được ghi lại: “Tôi đã nói với Andrea Abodi (chủ tịch giải Serie B), chúng ta cần thay đổi.

Bằng kỹ năng của mình, tôi đã nhọc nhằn mang hợp đồng của Sky Mediaset đến cho Serie A. 10 năm qua, không ai làm được điều đó. Vậy mà ông mang Carpi với Frosinone lên hạng thì còn ai mua bản quyền truyền hình nữa? Người ta thậm chí còn không biết Frosinone tồn tại nữa”.

Serie A đã có hợp đồng truyền hình mới bắt đầu từ năm 2015 đến 2018 với Sky ItaliaMediaset, trị giá mỗi mùa là 943 triệu euro, tăng 20% so với hợp đồng cũ. Sky Italia chiếu tất cả các trận qua vệ tinh, Mediaset truyền các trận có Inter, AC Milan, Juventus và Napoli qua kỹ thuật số. Bản quyền truyền hình Serie A ở nước ngoài cũng được bán tháng 10 năm ngoái cho MP & Silva với giá 186 triệu euro mỗi mùa, tăng 60% so với hợp đồng cũ.

Phân chia thu nhập truyền hình ở Serie A như sau: 40% chia đều cho 20 CLB, 30% dựa vào sự hấp dẫn khán giả của từng CLB, 30% dựa vào vị trí của đội bóng trên bảng xếp hạng mùa trước đó. Thu nhập của các CLB Ý dựa vào truyền hình lớn nhất châu Âu: 60% nguồn thu.

Juventus, đại diện của Serie A đã lot vào trận chung kết Champions League mùa này - Ảnh: AFP

Carpi và Frosinone tất nhiên không thu hút được người xem truyền hình. Và tất nhiên là kéo lượng khán giả trung bình đến xem một trận ở Serie A vốn đã thấp (23.000 người mỗi trận) còn thấp nữa bởi họ lần lượt chỉ có lượng khán giả trung bình đến sân là 3.000 và 5.000 người mỗi trận.

Bóng đá Ý đã xuống rất nhiều trong những năm qua do chất lượng sân bãi kém, bạo lực sân cỏ nhiều, thiếu ngôi sao, thiếu tính giải trí. Cuối tuần rồi, trận “derby nước Ý” giữa Inter và Juventus diễn ra trong sự thờ ơ của giới truyền thông. Người ta nói về trận Barcelona gặp Atletico Madrid, hay Manchester United gặp Arsenal hay Steven Gerrard chơi trận cuối trên sân Anfield hơn nhiều.

Juventus lọt vào trận chung kết Champions League mùa này là một khích lệ với bóng đá Ý. Nhưng Juve không đứng trên đỉnh cao lâu với một loạt cầu thủ trên 30 tuổi như Carlos Tevez, Gigi Buffon, Giorgio Chiellini, Stephan Lichtsteiner, Patrice Evra và Andrea Pirlo.

Tất nhiên Carpi và Frosinone không liên quan gì đến sự xuống dốc của bóng đá Ý trước đây. Họ cũng chẳng liên quan gì đến bản quyền truyền hình giảm giá nếu họ trụ lại Serie A các mùa tới. Lỗi là do cách quản lý yếu kém của nền bóng đá dẫn đến Inter, AC Milan hay các ông lớn khác không còn giữ được hình hài của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.