Server lậu đã phát triển tại Việt Nam như thế nào?
Vào thời điểm mà phần lớn người Việt còn “lướt web” bằng giao thức mạng Dial Up, khi game online vẫn còn là khái niệm khá mơ hồ, game “lậu” đã manh nha xuất hiện và nhanh chóng phát triển với tốc độ chóng mặt, hình thành một giai đoạn thú vị trong dòng chảy của làng game Việt.
Những năm đó, các game thủ tham chiến trong thế giới Online hầu hết đều trải nghiệm tại các phòng máy kinh doanh dịch vụ Internet, và MU online là cái tên “độc chiếm” sân chơi này. Ban đầu, server Global (server dành cho mọi người trên Thế giới) của hãng chủ quản Webzen là địa chỉ hàng đầu cho những người đam mê MU online. Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu thay đổi khi các “hãng phát hành lậu” quy mô nhỏ vào cuộc, và Việt Nam cũng không đứng ngoài "xu thế" đó.
MU online là cái tên phổ biến nhất trong làng server lậu. Ảnh: Trang chủ Webzen
Những “hãng phát hành lậu” này đa phần là các tổ chức, cá nhân không chuyên, sử dụng bộ source (bộ cài, gồm server và client) được chia sẻ trên mạng để “chạy” một server hoàn toàn riêng biệt. Những server này hầu hết đều tăng tốc độ lên level, rate rớt đồ “xịn”, thậm chí còn mở khóa những màn chơi mà chính server của hãng Webzen vẫn chưa đưa vào chính thức. Vì sự hấp dẫn này, hầu hết cộng đồng MU online đều tạm biệt Hàn Quốc và dần dần “hồi hương”, mở ra thời kỳ hoàng kim của MU online “lậu” với những cái tên nổi bật như MU Phong Vũ, MU Hà Nội, MU Sài Gòn, MU Huyền thoại…
Ở thời điểm đỉnh cao trong những năm 2004 – 2005, MU Phong Vũ mở rộng tầm ảnh hưởng tại rất nhiều phòng máy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Những phòng máy này được ưu tiên cài đặt một server “con” riêng biệt, chỉ các game thủ chơi tại đây mới có thể truy cập và tham gia “luyện cấp”. Ông chủ của server lậu này đã từng thân chinh ra tận… Nha Trang, Đà Lạt để cài đặt server cho các cửa hàng Internet hàng đầu, có nhu cầu hợp tác. Và điều này cũng không hề lạ với người đứng sau các máy chủ lậu nổi tiếng khác.
Lineage 2 từng bị đồn đoán do một nhà phát hành chuyên nghiệp Việt hóa và vận hành tại Việt Nam. Ảnh: NCSoft
Không chỉ riêng MU online, thời điểm đó những cái tên như Lineage 2, Gunbound, Risk your life v.v. cũng lần lượt “qua tay” các nhà phát hành lậu. Thậm chí, tựa game Lineage 2 còn được Việt Hóa hoàn hảo và vận hành trơn tru, đến mức nhiều game thủ phải thốt lên rằng “chắc hẳn một ông lớn chuyên nghiệp đang vận hành game!”
Cuộc chiến không hồi kết
Thế rồi, MU online chính thức được nhà phát hành FPT độc quyền kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2006, khơi mào cuộc “đại chiến” vô cùng khốc liệt giữa các hãng giữ bản quyền và làng game “lậu”, kéo dài đến tận ngày nay.
Hàng loạt server MU online trái phép bị “thảm sát” ngay trong cuộc tấn công đầu tiên, những kẻ khôn ngoan hơn âm thầm rút lui vào bóng tối và tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh liên quan đến sản phẩm lậu. Để rồi, sau khi sự việc lắng xuống, các “nhà phát hành lậu” một lần nữa trở lại. Không hoành tráng, rầm rộ nhưng âm ỉ với quy mô khép kín; không đẩy mạnh việc thu hút số lượng hàng ngàn game thủ như thời điểm “đỉnh cao”, mà chú trọng vào “chất lượng”, thể hiện qua cách thức các server lậu này thuyết phục game thủ mở hầu bao và đổ “tiền thật” vào game.
Con đường tơ lụa cũng là một nạn nhân “khét tiếng”. Ảnh: mmohut.com
Nhìn chung, phương pháp “kinh doanh” tại các sever lậu này thường dựa vào hoạt động PVP (game thủ so tài với nhau), đua cấp độ, đua trang bị, đánh vào tinh thần muốn “chinh phục” của người chơi. Người về nhất trong các hoạt động này nhận được món quà rất hậu hĩnh, có một không hai (thường là trang bị, kỹ năng). Tuy nhiên để giành chiến thắng, game thủ ngoài việc phải bỏ công sức và thời gian để “cày cuốc”, còn phải dựa vào sự trợ giúp của các trang bị, tính năng hỗ trợ v.v. để tạo ra sự khác biệt. Tất nhiên, các sản phẩm bổ trợ này đều được mua bằng cách nạp “tiền thật” vào game.
Thời gian vừa qua, rất nhiều “hãng” vẫn đang áp dụng cách thức trên để kinh doanh game lậu, và không chừa bất kỳ tựa game “hot” hoặc có cộng đồng nhộn nhịp nào tại Việt Nam. Nổi trội nhất là những cái tên như Tiếu ngạo giang hồ 3D, Tân thiên long, Kiếm thế, Võ lâm truyền kỳ, Tru Tiên, Con đường tơ lụa, Gunny online v.v. và “anh cả” MU online. Những server lậu này hình thành một “thế giới ngầm” luôn luôn tồn tại song hành cùng dòng chảy của làng game Việt, một thế lực đối lập với các nhà phát hành chính thức, hợp pháp.
Tiếu ngạo giang hồ 3D là “bom tấn” mới nhất bị ép gia nhập “thế giới ngầm”. Ảnh: Trang chủ Tiếu ngạo giang hồ 3D
Theo những thông số do ông Hoàng Vĩnh Bảo – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - đưa ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến”, vào thời điểm giữa năm 2013 tại Việt Nam có 117 tựa game online được cấp phép kinh doanh, nhưng đã có tới 44 trò chơi ngừng hoạt động. Có thể thấy quy luật đào thải vô cùng khắc nghiệt của thị trường game online, mà server lậu là một trong những tác nhân ảnh hưởng to lớn.
Cũng theo thống kê của nhiều doanh nghiệp trong nước, tại thời điểm hiện tại có khoảng 300 tựa game online đang hoạt động, trong đó đến 75% là các sản phẩm lậu, không được cấp phép.
Những hiểm họa rình rập tại các server lậu
Có hàng tá lý do đưa đẩy game thủ đến với những sân chơi lậu, thay vì server “xịn” chính hãng. Từ những lý do rất… lãng xẹt như việc game thủ không phân biệt được “hàng giả hàng thật” tại chính server mình đang chơi cho đến một bộ phận không nhỏ muốn “ôn lại kỷ niệm” xưa với những tựa game đã bị nhà phát hành khai tử như Cửu long tranh bá, Gunbound,v.v.
Nhiều game thủ tìm đến server lậu để trải nghiệm các trò chơi đã bị khai tử. Ảnh: Trang chủ 9 Dragons
Tuy nhiên, theo quan sát của Thanh Niên Game, có hai lý do chính mà game thủ tìm đến các server phi pháp này: Thứ nhất, để trải nghiệm những class nhân vật, cách “tăng điểm” kỹ năng, cách “build” trang bị, những kiểu PVP mới lạ v.v. mà họ không đủ tài lực, thời gian, hoặc bị giới hạn tại server “gốc”. Lý do thứ hai, xuất phát từ việc game thủ không hài lòng với cách thức vận hành, quản lý của nhà phát hành, nhưng vẫn thích thú với trò chơi mình đang “chinh chiến”, nên quyết định “chuyển nhà” sang những server khác. Tất nhiên, bến đỗ duy nhất dành cho họ là... vòng tay của những người kinh doanh game lậu.
Có một điều đáng chú ý, khi tham gia vào các server lậu này, game thủ phải đứng trước nguy cơ thiệt hại về tiền bạc, thời gian và công sức rất lớn. Không ít trường hợp người chơi đầu tư mức tiền khổng lồ cho các nhà phát hành “chui”, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những người quản lý server bỗng dưng… biến mất. Đến nước này, nạn nhân chỉ có thể “vừa đi vừa khóc” mà không thể kêu cứu bất kỳ một cơ quan chức năng nào.
Điển hình như vụ “đột tử” của một server Tiếu ngạo giang hồ 3D hơn một tháng trước, gần hơn là hai server game Gunny online với tên miền Gunnyfi**.net và Gb**.net đột ngột treo biển “nghỉ khỏe” làm không ít người lao đao.
Những trò chơi có cộng đồng lớn mạnh như Gunny thường là “đích nhắm” hàng đầu. Ảnh: Trang chủ Gunny
Người chơi game Gunny lậu trên hai website Gunnyfi**.net và Gb**.net liên tục thắc mắc than khóc trên1 fanpage mà ko có lời giải đáp
Thế chủ động thuộc về những nhà phát hành chính thống
Cuộc chiến giữa những nhà phát hành hợp pháp và giới game lậu “hắc đạo” vẫn luôn tiếp diễn ác liệt mà ở đó, khái niệm chiến thắng là một cái gì đó quá mơ hồ, khác biệt đối với cả hai bên. Nếu đa phần các server lậu hiện nay chỉ đơn giản là “kiếm càng nhiều tiền càng tốt”, và sẵn sàng “bức tử” server của mình chỉ sau vài tháng hoạt động, thì ở phía đối nghịch, các hãng phát hành Việt Nam phải gồng gánh trên vai uy tín thương hiệu, danh dự, cam kết chất lượng và áp lực “sinh tồn” giữa mặt trận game online vô cùng khắc nghiệt.
Tuy nhiên, những nhà phát hành game lại đang sở hữu thế chủ động trong cuộc chiến đầy cam go này. Nếu luôn duy trì được sự ổn định của trò chơi, vận hành hợp lý và phù hợp với xu hướng thị hiếu game thủ, cũng như hoàn thiện tốt hơn nữa khâu chăm sóc khách hàng v.v. thì “thế giới ngầm” kia ít nhiều sẽ bị kìm hãm, cô lập và sớm lâm vào cảnh “Game over”.
Bình luận (0)