Sếu đầu đỏ và chuyện giá rẻ

06/02/2011 09:36 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Năm 2010, thêm một sự kiện đánh dấu sự bùng nổ của thị trường hàng không Việt Nam khi Air Mekong bay khai trương bằng 2 chuyến Hà Nội - Phú Quốc và TP.HCM - Phú Quốc.

Tỏ ra tự tin với lối đi riêng của mình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Air Mekong Đoàn Quốc Việt khẳng định quyết tâm xây dựng hãng  hàng không này - với biểu tượng "Sếu đầu đỏ" -  trở thành hãng  hàng không chuyên nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, Air Mekong đã khai thác thương mại đến các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo, Pleiku, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt. 

Trong khi đó, sự “nâng cấp” của Jetstar Pacific từ một hãng  hàng không truyền thống chỉ với một máy bay lên đội bay gồm 7 chiếc trong năm qua đã làm phong phú thêm cơ hội “bay” cho những hành khách có thu nhập trung bình và khá. Chia sẻ thêm về kế hoạch tiếp nhận và đưa vào khai thác đội máy bay 15 chiếc (gồm toàn bộ Airbus A320), Tổng giám đốc Lê Song Lai nói: "Đó là sự cam kết lâu dài của Jetstar Pacific trong việc luôn đem đến cho đông đảo khách hàng bình dân tại Việt Nam một sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, giá cả vừa với túi tiền. Đó cũng là chìa khóa để Jetstar Pacific tiếp tục củng cố và duy trì vị thế là hãng  hàng không giá rẻ hàng đầu tại Việt Nam".

Jetstar Pacific cũng chứng tỏ sự lớn mạnh của mình trong năm qua với việc tăng tần suất khai thác trên các đường bay giữa TP.HCM - Hà Nội, Vinh, Huế, Hải Phòng. Không dừng lại ở đó, hãng  hàng không đầu tiên tại Việt Nam kinh doanh theo mô hình  hàng không giá rẻ này cũng đã có kế hoạch đẩy mạnh thêm mạng bay nội địa, đồng thời mở rộng khai thác mạng bay quốc tế trong khu vực.


Phối cảnh sân bay quốc tế Phú Quốc

Một hãng  hàng không khá quen thuộc là VASCO cũng đang thực hiện vận tải khách, thường lệ trên các đường bay từ TP.HCM đi các địa phương phía nam như: Cà Mau, Côn Đảo, Tuy Hòa, Chu Lai bằng máy bay ATR72 (65 chỗ ngồi) do Pháp sản xuất.

Đất lành... máy bay đậu

Hồi tháng 10.2010, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã chứng kiến sự trở lại sau 7 năm vắng bóng của hãng Lao Airlines. “Sự phát triển mạnh mẽ của hai nước, đặc biệt là TP Pakse và TP.HCM ngày càng thịnh vượng, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, du lịch ngày càng được mở rộng, thu hút khách nội địa và nước ngoài; sân bay Tân Sơn Nhất cũng có thể kết nối với các nước châu u, Mỹ và các nước khác bay tới Lào nói chung và TP Pakse hoặc nam Lào, là lý do chúng tôi mở lại đường bay tới TP.HCM”, đại diện hãng này lý giải.

Chỉ một tháng sau sự kiện đó, Hãng hàng không LOT của Ba Lan khai trương đường bay thẳng trực tiếp nối liền thủ đô hai nước Ba Lan - Việt Nam. Hãng hàng không Dragonair thuộc Tập đoàn Cathay Pacific cũng đã tăng tần suất bay từ 7 lên 10 chuyến bay/tuần trên đường bay Hà Nội - Hồng Kông. Hãng Qatar Airways cũng khai trương đường bay thẳng đến Hà Nội theo lộ trình Doha - Bangkok - Hà Nội và ngược lại; đồng thời tăng từ 4 chuyến lên 7 chuyến một tuần trên đường bay đi/đến TP.HCM…

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.