Cơn bão Yagi đã gây ra những thiệt hại nặng nề tại Lào Cai, trong đó, Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng. Toàn bộ nhà điều hành bị phá hủy hoàn toàn và ngập sâu trong bùn đất, dẫn đến 5 cán bộ nhân viên thiệt mạng. Ngay trong những thời khắc khó khăn ấy, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã nhanh chóng hỗ trợ, trở thành điểm tựa cho nhà máy thủy điện và cán bộ công nhân viên.
Ông Phạm Quang Huy, Phó Giám đốc Chi nhánh SHB Lào Cai chia sẻ, cơn bão số 3 vừa qua đã gây hậu quả rất nặng nề đối với các tỉnh phía Bắc, trong đó Lào Cai là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất về con người và tài sản. Trong thời gian mưa lũ, Ban lãnh đạo Chi nhánh SHB Lào Cai đã nhận định sẽ có những doanh nghiệp, người dân, ngành nghề như khai khoáng, thủy điện, du lịch... chịu ảnh hưởng trực tiếp nên ban lãnh đạo đã chỉ đạo cán bộ nhân viên liên lạc đến tất cả khách hàng đang vay vốn tại SHB để nắm bắt thông tin và nhận định bước đầu về thiệt hại để sẵn sàng phương án hỗ trợ khách hàng.
Ngay sau khi nhận được thông tin của Thủy điện Nậm Lúc, SHB đã đưa ra loạt chính sách kịp thời. Ngân hàng đã miễn ngay 5 tỉ đồng tiền lãi phải trả trong tháng 9 và cam kết giảm 50% lãi phải trả cho nhà máy đến cuối năm 2024, với tổng số tiền ước tính hơn 10 tỉ đồng và tái cơ cấu khoản nợ theo quy định. Đặc biệt, SHB cũng cung cấp gói tín dụng 50 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 4,5%/năm, giúp nhà máy tái thiết trang thiết bị và khôi phục hoạt động.
Sự giúp đỡ của SHB không chỉ dừng lại ở chính sách tài chính mà còn là những hành động thiết thực, động viên, thăm hỏi cán bộ nhân viên nhà máy. Trong thời điểm nhà máy mất mát nặng nề về người và cơ sở vận hành, SHB đã nhanh chóng có mặt chia sẻ và ủng hộ, động viên tinh thần giúp các cán bộ công nhân viên vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành tạm thời của Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc, đã bày tỏ sự cảm kích trước những hỗ trợ kịp thời từ SHB: "Những chính sách hỗ trợ từ SHB không chỉ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn tài chính mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, là điểm tựa giúp chúng tôi đứng dậy".
Chính quyền địa phương cũng đã tích cực phối hợp trong công tác cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ khắc phục hậu quả. Lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ đã làm việc không mệt mỏi để tìm kiếm và cứu hộ đưa các thi thể cán bộ nhân viên bị vùi lấp.
Sau gần một tháng từ thảm họa, thiệt hại ước tính lên đến hơn 100 tỉ đồng, Thủy điện Nậm Lúc đang dần khôi phục. Với sự hỗ trợ từ SHB và chính quyền địa phương, nhà máy đặt mục tiêu sẽ sớm trở lại hoạt động.
Cùng với Thủy điện Nậm Lúc, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn cố gắng từng bước khắc phục và vượt qua khó khăn. Với sự đồng hành của chính quyền, ngân hàng với người dân, doanh nghiệp, mọi thử thách sẽ bị bỏ lại phía sau và tất cả hướng về tương lai tươi sáng.
Bình luận (0)