Shipper tỉnh lẻ khóc vì hầu như ngày nào cũng bị 'bom hàng'

26/08/2023 13:15 GMT+7

Người làm nghề giao hàng (shipper) ở tỉnh lẻ như Quảng Trị gặp lắm cảnh khóc cười, vì nghề mới manh nha, phát triển chỉ trong vài năm nên có lắm nỗi niềm.

Cơn đau mang tên "bom hàng"

Tại Quảng Trị, ngoài shipper của những công ty vận chuyển hàng hóa có tên tuổi đặt chi nhánh ở địa phương, còn lại là những nhóm shipper tự do và bán chuyên nghiệp, đảm nhận vận chuyển những hàng hóa thiết yếu như đồ ăn, thức uống, quần áo... trong nội thành.

Các nhóm shipper tự do ở TP.Đông Hà, tỉnh lỵ của Quảng Trị, ngày càng phát triển số lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, các nhóm này không thuộc quyền quản lý của công ty vận tải nào, nên khi gặp sự cố thì không được bảo vệ.

Nỗi lòng shipper tỉnh lẻ - Ảnh 1.

Ở Quảng Trị, có nhiều shipper hoạt động trong những nhóm tự phát.

BẢO KHÁNH

Đối với nghề shipper, "bom hàng" luôn là nỗi ám ảnh. Anh Nguyễn Tèo, chủ nhóm shipper "Alo ship Đông Hà", chia sẻ nhóm của anh chủ yếu giao nhận đồ ăn thức uống và áo quần cho nhiều shop cố định. Cũng như nhiều nơi khác, công việc của nhóm ở Quảng Trị là đến quán lấy hàng, trả tiền cho quán sau đó giao đến tay khách hàng và nhận lại tiền từ khách (gồm tiền hàng và phí vận chuyển). 

Nhưng không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ. Tỉ lệ "bom hàng" (không nhận hàng) rất nhiều, hầu như ngày nào cũng có vài đơn hàng bị "bom".

"Có khách đặt bánh sinh nhật giá 200.000 - 500.000 đồng/cái, nhưng khi anh em đi giao thì khách không nghe máy hoặc tắt máy. Thế là nhóm chúng tôi mang về, tự cắt bánh ăn, dù chả đứa nào… có sinh nhật vào ngày đó. Có tháng, chúng tôi "tổ chức sinh nhật" kiểu này đến 3 - 4 lần, ăn bánh đến phát ớn", anh Tèo cười như mếu.

Nỗi lòng shipper tỉnh lẻ - Ảnh 2.

"Bom hàng" luôn là một nỗi ám ảnh đối với shipper.

BẢO KHÁNH

Anh Hoàng Tiến Đạt, một shipper có tuổi nghề 3 năm, vẫn nhớ chuyện xảy ra trong ngày khá ế ẩm, khoảng 20 giờ đêm anh lại nhận đơn "ship" 10 ly chè Thái… 

"Tôi giao đến địa điểm theo yêu cầu khách hàng, ở khu vực nằm ngoài rìa thành phố. Tới đây, tôi thấy sai sai vì cả đoạn đường này toàn cây cối, tối om, không có nhà ở. Gọi cho khách cả chục cuộc nhưng không nhận máy, vậy là ngậm ngùi mang 10 ly chè về bỏ tủ lạnh để ăn dần. Chưa tính tiền xăng xe, cả ngày công hôm đó coi như "âm" nặng nề", anh Đạt ngao ngán.

Ở Quảng Trị, những shipper tự do như anh Tèo, anh Đạt chỉ kiếm dăm trăm nghìn đồng mỗi ngày sau những cuốc xe len lỏi khắp phố phường. Vào nghề shipper dễ đấy, chỉ cần 1 chiếc xe máy và 1 thùng hàng là đủ "tác nghiệp". Nhưng mỗi lần bị "bom hàng", có khi công toi cả tuần. 

"Khách hàng là thượng đế. Nhưng chúng tôi chỉ mong họ đừng coi thường sức lao động của chúng tôi. Nghề nào cũng mồ hôi nước mắt cả, nghề nào cũng cốt kiếm miếng cơm nuôi bản thân và gia đình", anh Tèo gửi gắm.

Muốn có một tổ chức nghề nghiệp đàng hoàng

Những shipper tự do ở Quảng Trị mong muốn nhất chính là sớm có 1 nhóm, hội nghề nghiệp đàng hoàng. Người chơi mô tô, người hành nghề âm thanh - ánh sáng, cả những người đá bóng cũng lập được hội nhóm, thì shipper tại sao lại không?

Nỗi lòng shipper tỉnh lẻ - Ảnh 3.

Khi bị "bom hàng", shipper chỉ còn biết mang món đồ ăn quay về dùng.

BẢO KHÁNH

"Chúng tôi muốn có hội, nhóm để đứng bên nhau, lớn mạnh hơn, có thể bảo vệ nhau khi gặp sự cố", anh Nguyễn Văn Khoa, một shipper tự do ở TP.Đông Hà, nói.

Qua tìm hiểu, các nhóm shipper tự do và bán chuyên ở Quảng Trị rất muốn được hỗ trợ app (ứng dụng) công nghệ riêng. 

"App công nghệ đó sẽ liên kết với tất cả các cửa hàng, quán xá để thuận tiện cho việc lên đơn cũng như cải thiện thu nhập. Và cũng chuyên nghiệp hơn trong khâu quản lý và giao hàng, có nơi để chịu trách nhiệm, thưởng phạt công bằng và một số chế tài cụ thể để bảo vệ shipper khi gặp sự cố. Nhưng có lẽ, đó chỉ là giấc mơ của chúng tôi mà thôi", anh Tèo tâm sự.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.