Sĩ Hoàng bênh vực Đỗ Thị Hà mặc áo dài đi làm từ thiện

21/12/2020 15:34 GMT+7

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã có những chia sẻ liên quan đến việc Đỗ Thị Hà diện áo dài đi làm từ thiện . Ông cũng nêu quan điểm về quy định người đẹp thi quốc tế không cần danh hiệu hiện nay.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng gây chú ý khi góp mặt tại International Fashion Runway 2021 (Sàn diễn Thời trang Quốc tế 2021) và trình làng bộ sưu tập áo dài dành cho trẻ em mang tên Ocean giữa loạt thuơng hiệu Luxy Nguyen, Crowne Space, Homi Baby House, Jessica Princess, Minime, The Whatever và Mamadada... Chia sẻ với Thanh Niên về cơ duyên tham gia sự kiện thời trang này, ông tâm sự: “Tôi thiết kế nhiều áo dài cho người lớn, vài năm gần đây cũng có thiết kế áo dài cho trẻ em nhưng tôi chưa bao giờ tham gia chương trình nào trình diễn áo dài cho trẻ em như vậy. Lần này tôi có được lời mời và rất vinh dự được tham gia vì thấy ý nghĩa của nó. Chủ đề lần này tôi thiết kế là đại dương. Tôi muốn mang đến thông điệp về môi trường, ở đó nguồn nước sạch sẽ giúp các sinh vật được sinh tồn và trẻ em sẽ là người truyền tải điều đó”.
Đồng thời, nhà thiết kế nói thêm về hình ảnh áo dài Việt trong các sự kiện thời trang, sự kiện giải trí hiện nay. Trong đó, đáng chú ý nhất là khoảnh khắc Hoa hậu Việt Nam 2020 cho thí sinh diện áo dài trắng khi đăng quang. Ông cho rằng đây là một hình ảnh đẹp và chia sẻ: “Một thế giới phẳng, chúng ta đang nói đến sự hòa nhập chứ không hòa tan, yếu tố không được hòa tan đó là biểu hiện về văn hóa. Người đẹp diện áo dài lúc đăng quang thì không còn gì tốt hơn trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam". 

Nhà thiết kế cho rằng việc người đẹp mặc áo dài khi đăng quang là một hình ảnh đẹp, góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc

Ảnh: BTC

Trước đó, hình ảnh Đỗ Thị Hà diện áo dài trắng khi đi từ thiện bị cộng đồng mạng chê rườm rà, thiếu tự nhiên. Nói về điều này, nhà thiết kế Sĩ Hoàng bày tỏ: “Tôi hiểu ý của ban tổ chức là muốn đưa hình ảnh áo dài đi vào trong đời sống bình thường như thời xưa ông bà đã từng. Tôi nghĩ áo dài giúp người ta sống chậm, nhất là khi qua Covid-19, người ta quên đi những giá trị đời thường. Áo dài không bắt người ta đi nhanh được, chúng ta có thể nhìn lại và thấy giá trị sống ở chỗ nào. Khi nghĩ sâu, nghĩ rộng thì tôi thấy đó là điều đáng khích lệ. Trong lúc khó khăn, người ta thấy món quà được mang tới từ một người đẹp, mặc trang phục tượng trưng cho văn hóa dân tộc thì họ sẽ cảm thấy không phải được cho một cách bình thường. Khi nhận món quà đó, thứ nhất họ sẽ thấy được tôn trọng, họ không bị mặc cảm. Thứ hai họ phải thấy mình xứng đáng hơn khi nhận món quà đó. Cái đẹp cứu rỗi thế giới, đứng trước cái đẹp, người ta chỉ có hướng thiện thôi. Trước hình ảnh một cô gái đẹp, bộ áo dài đẹp và được nhận món quà như vậy, tôi nghĩ người ta sẽ nỗ lực, cố gắng để thoát nghèo, phải làm điều gì đó để sau này không phải ngồi đây nhận nữa mà phải là người cho”.
Mới đây, thông tin về quy định thi quốc tế không cần danh hiệu trong nước khiến dư luận tranh cãi. Nhiều người đồng tình với quan điểm này, song có ý kiến lại phản đối. Riêng nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ: “Tôi nghĩ giống như việc đào tạo, đầu vào thì dễ nhưng đầu ra thì khó. Để cho tất cả mọi người đều có cơ hội vì thi cử còn có yếu tố may rủi, chưa kể những yếu tố tiêu cực như mua bán giải. Rõ ràng khi tham gia các cuộc thi, các bạn được học hỏi, rèn luyện kỹ năng. Đó là những bài học quý giá mà không trường nào có đủ thời gian để hướng dẫn. Dù các bạn không đậu giải thì nó cũng là một kỷ niệm đẹp đối với thời thanh xuân”.

Sĩ Hoàng đánh giá cao thế hệ người mẫu, hoa hậu hiện nay

Ảnh: BTC

Đánh giá về thế hệ hoa hậu, người mẫu hiện nay, nhà thiết kế Sĩ Hoàng bày tỏ: “Tôi được ngồi ở vị trí giám khảo và tham gia chương trình hoa hậu từ năm 1989 đến nay, tức là 32 năm. Tôi thấy rõ ràng càng về sau thì thế hệ hoa hậu càng đẹp hơn, giỏi hơn, bản lĩnh hơn. Nếu nhìn về khía cạnh sự phát triển con người, sự hội nhập, sự bình đẳng giới cả trong nước và thế giới thì quá tốt. Ví dụ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mới đây, các cô hoa hậu nói ngoại ngữ rất tốt. Đó là điều đáng mừng. Chúng ta tin rằng một cô hoa hậu tương lai như vậy sẽ là hình mẫu cho nhiều cô gái trẻ muốn được như vậy. Từ đó họ sẽ nỗ lực bản thân chứ không phải tự nhiên mà có được. Đó có thể sẽ là động lực ngầm để giúp thế hệ trẻ đẹp hơn, giỏi hơn, tốt hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.