Từ trước 9 giờ sáng, khu vực bán vé vào trước cổng Văn Miếu đã đông kín người xếp hàng mua vé. Nhiều thí sinh cho biết, sau khi làm thủ tục ở hội đồng thi xong vội vàng đến đây thắp hương và sờ đầu rùa cầu may.
Theo những người làm công tác bảo tồn, khu vực nhà bia đá là nơi đông nhất Văn Miếu trong vài ngày trở lại đây, nhất là ngày hôm nay. Ban quản lý di tích phải căng vải đỏ và bố trí lực lượng bảo vệ, SV tình nguyện đứng giám sát không cho sờ đầu rùa.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV Thanh Niên Online, có nhiều thí sinh, người nhà thiếu ý thức vẫn cố tình chen lấn vào chạm lên đầu rùa lấy may mặc cho bảo vệ và SV tình nguyện gọi loa nhắc nhở. Nhiều thí sinh nam tụ tập thành nhóm, hùng hổ lao vào vỗ bồm bộp lên đầu rùa, bia đá rồi phá lên cười. Trong khi đó, một số phụ huynh đưa con đi thi còn giục con lợi dụng lúc đông người sờ tay vào đầu rùa hoặc bia đá rồi dùng điện thoại chụp ảnh.
Có những thí sinh, do không chen vào sờ được đầu rùa ở khu nhà để bia đá thì vào khu làm lễ sờ tạm vào… đầu rùa đồng đội hạc. “Méo mó có hơn không anh ạ, đã vào được đây rồi mà chưa chạm được vào đầu rùa thì mất may. Không sờ được đầu rùa đá thì sờ đầu rùa đồng, miễn là đầu rùa trong Văn Miếu Quốc Tử Giám chắc chắn sẽ có thêm phần may mắn đạt điểm cao trong kỳ thi tới”, Nguyễn Đại Hải, quê ở Thanh Hóa dự thi vào ĐH Thủy lợi biện hộ.
Đội ngũ thanh niên tình nguyện sáng nay đã rất vất vả để ngăn cản hành động vô ý thức này của sĩ tử cùng người nhà. Bạn Nguyễn Văn Mạnh, làm tình nguyện viên tại đây cho hay, một số người hiểu biết thì ngay khi được nhắc nhở liền chấm dứt hành động sờ đầu rùa đá, tản đi chỗ khác. Song có không ít trường hợp bất chấp lời giải thích của những người làm tình nguyện, sấn sổ vào sờ bằng được vì cho rằng “đã đến nơi mà không sờ được thì thi đảm bảo… trượt”.
“Có một số phụ huynh còn lớn tiếng và tỏ thái độ thiếu hợp tác với chúng em. Nhưng vì nhiệm vụ của SV tình nguyện như thế, nên chúng em đành phải giải thích cho sĩ tử cùng người nhà hiểu, không biết làm thế nào khác”, Nguyễn Ngọc Mai, sinh viên ĐH Giao thông vận tải chia sẻ.
Nhiều người quan niệm, đã mất tiền mua vé vào Văn Miếu là phải sờ vào đầu rùa mới được nhiều may mắn, nhất là trong dịp thi cử thì càng phải cố thực hiện điều này. Đây cũng là lý do, từ nhiều năm nay, trước kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp hay đại học, hàng ngàn sĩ tử lại đổ về Văn Miếu sờ đầu rùa cầu may.
Tuy nhiên, cũng có nhiều sĩ tử không quá xem trọng việc này. “Quan trọng là nắm chắc kiến thức và biết vận dụng giải đề thi tốt để giành điểm cao. Còn chuyện sờ đầu rùa cầu may đỗ đại học chỉ là quan niệm nhảm nhí. Chỉ những người chưa thực sự nắm vững kiến thức, thiếu tự tin thì mới cầu may đỗ đại học”, Nguyễn Minh Anh, quê ở Hà Nam, dự thi vào ĐH Ngoại thương chia sẻ.
|
Tại Đà Nẵng, sĩ tử khắp nơi cũng đổ về chùa Linh Ứng Bãi Bụt, Q.Sơn Trà, nơi có tượng Phật Quan Thế m Bồ Tát cao nhất Đông Nam Á để cầu may mắn.
Sáng nay, sau giờ đăng ký thủ tục dự thi, từng đoàn thí sinh vượt dốc bán đảo Sơn Trà và gần 100 bậc tam cấp để lên chùa cầu may.
|
Lê Quân - Nguyễn Tú
(thực hiện)
Bình luận (0)