Siết buôn lậu qua đường hàng không

22/03/2023 06:30 GMT+7

Buôn lậu qua đường hàng không ngày càng tinh vi, nhóm đối tượng thực hiện là "nhân tố mới" ngày càng nhiều hơn. Mới đây, Ban chỉ đạo 389 quốc gia lập tổ liên ngành gồm hải quan, công an, quản lý thị trường... để "siết" vấn nạn này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), vừa ký Quyết định số 15 thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch số 111 ngày 22.11.2022 của Ban chỉ đạo. Tổ công tác gồm lãnh đạo các cơ quan như Ban chỉ đạo 389, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Hải quan).

Sau vụ "4 tiếp viên Vietnam Airlines": Lập tổ chống buôn lậu qua đường hàng không

Buôn lậu từ ma túy, rượu đến ngà voi, sừng tê giác

Động thái trên của Bộ Tài chính diễn ra sau khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP.HCM) phát hiện và phối hợp lực lượng chức năng khám xét, bắt giữ gần 11,5 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp trong hành lý của 4 tiếp viên Vietnam Airlines (VNA) tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 16.3.

Siết buôn lậu qua đường hàng không - Ảnh 1.

Số ma túy giấu trong tuýp kem đánh răng mà các nữ tiếp viên hàng không mang từ Pháp về VN qua sân bay Tân Sơn Nhất bị phát hiện ngày 16.3.2023

CTV

Thực tế, tình trạng buôn lậu qua đường hàng không liên tục "nóng" nhiều năm qua. Năm 2021, qua kiểm tra chuyến bay "giải cứu" từ Nga về sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), lực lượng hải quan Khánh Hòa phát hiện 724 chai rượu  ngoại, 424 hộp thuốc lá với tổng trị giá gần 10 tỉ đồng. Trước đó, năm 2002, có 6 bị cáo bị tuyên án do tham gia vận chuyển trái phép gần 400 điện thoại di động trên chuyến bay Dubai - Hà Nội, trong đó có 5 tiếp viên VNA. Năm 2017, một tiếp viên hàng không buôn lậu hàng từ Hàn Quốc về và bị tuyên án 21 năm tù. Hàng lậu qua đường hàng không là một trong nguồn cung cấp hàng "xách tay" cho thị trường lâu nay.

Công tác phòng chống buôn lậu luôn được nhắc nhở, liên tục và không ngơi nghỉ là điều bình thường. Chúng ta thiếu công tác tổ chức thực hiện chứ không thiếu công văn, quy định.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú (nguyên Phó ban Thường trực chống buôn lậu TP.Hà Nội)

Tương tự, buôn lậu qua đường nhập khẩu hàng hóa bằng hàng không có giá trị lớn và "khủng" không kém. Tại TP.HCM, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từng bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, đuôi voi, móng vuốt động vật quý hiếm, sừng tê giác... do hành khách mang về từ các nước châu Phi với trị giá hàng chục tỉ đồng. Nhiều năm qua, cơ quan chức năng cũng ra quyết định khởi tố hình sự nhiều vụ buôn lậu lớn qua sân bay này, như vụ mang 1.000 tấm da trăn khô nhập từ Malaysia, nhập khẩu máy móc thiết bị y tế có giá trị hàng chục ngàn euro, buôn lậu iPhone...

Siết buôn lậu qua đường hàng không - Ảnh 3.

Hàng lậu qua đường hàng không bị hải quan phát hiện, bắt giữ

NG.NG

Vụ 4 tiếp viên hàng không ‘xách tay’ ma túy: Nếu khai không biết có thoát được tội?

Ngày 21.3, trao đổi với Thanh Niên, một cựu tiếp viên hàng không cho biết có rất nhiều cách tiếp viên hàng không lợi dụng lợi thế tính chất công việc của mình để "kéo hàng" từ nước ngoài về bán, kiếm thêm thu nhập. Các loại hàng hóa thường được họ gom về nước là túi xách, giày dép hàng hiệu và mỹ phẩm. Chênh lệch giữa giá gốc với hàng bán lại trong nước thường khoảng 25 - 35% tùy sản phẩm. Nếu bán trực tiếp cho người mua, các tiếp viên hưởng trọn phần chênh lệch này. Còn nếu chuyển về cho các đại lý thì tiếp viên thường nhận từ 10 - 15% tiền hoa hồng. Bên cạnh gom hàng về bán, nhiều tiếp viên còn nhận vận chuyển hàng từ nước ngoài về và tính phí.

"Kiểu em ơi, chị gom ít mỹ phẩm bên đó về bán, có chỗ giao rồi, em cầm về giúp rồi chị gửi phí 200 USD...", cựu tiếp viên này mô tả và cho biết, trước đây khi tiếp viên hàng không thật sự được coi là nghề danh giá và khó đậu thì mức thu nhập của họ khá cao và ổn định. Số lượng tiếp viên mang hàng lậu về bán chui kiểu vậy chiếm số ít và nếu bị phát hiện có thể mất việc ngay. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, nhiều hãng bay giảm lương thưởng, cắt đãi ngộ, tiếp viên không đủ chi phí trang trải cuộc sống nên bất chấp kéo hàng. Chưa kể, sau này nhiều hãng bay ra đời, tranh giành nhân sự, tiếp viên có nhiều đợt tuyển dụng hơn nên chất lượng, đạo đức nghề nghiệp cũng không còn được kiểm soát nghiêm ngặt như trước. "Thậm chí, nhiều người quan niệm những thứ "râu ria" như thế mới là nguồn thu nhập chính của tiếp viên hàng không", người này nói.

TP.HCM là tuyến vận chuyển hàng lậu nhanh nhất

Tối 21.3, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết: "Trong những năm gần đây, tuyến đường hàng không qua cửa khẩu sân bay trở thành một trong những tuyến trọng điểm mà các đối tượng tội phạm lợi dụng để vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất ma túy từ nước ngoài về VN với nhiều thủ đoạn phức tạp, khó lường. Bởi đây là tuyến vận chuyển nhanh nhất, thuận tiện và ngụy trang được với nhiều hình thức để vận chuyển ma túy nhất. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn âm thầm diễn ra với các phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Đặc biệt, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, luôn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn về buôn lậu, gian lận thương mại cao hơn".

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - một trong 10 địa bàn có sân bay quốc tế theo chỉ đạo tăng cường "siết" buôn lậu qua đường hàng không - đang quản lý mỗi ngày hơn 150 chuyến bay đi và đến TP.HCM, lưu lượng hành khách gần 40.000 người. Lãnh đạo Chi cục thông tin, tính từ đầu năm đến ngày 14.3, địa bàn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện 44 vụ vi phạm về lĩnh vực hải quan, trong đó bắt giữ vi phạm về ma túy 8 vụ với khối lượng tang vật là gần 15 kg ma túy các loại. Năm 2022, đơn vị phát hiện 198 vụ vi phạm, trong đó bắt giữ vi phạm về ma túy 46 vụ.

"Chống buôn lậu, gian lận thương mại là một công tác đặc thù bởi lẽ các hành vi vi phạm xuất hiện vô cùng phức tạp, tinh vi; thủ đoạn của các đường dây, tổ chức buôn lậu ngày càng đa dạng, linh hoạt. Trong thời gian qua, Cục đã phát hiện và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nhiều chuyên án, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu quốc tế", đại diện phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm cho hay.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), từ 10 năm trước, lo ngại tình trạng buôn lậu ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của hãng hàng không quốc gia, VNA đã ban hành chỉ thị sửa đổi quy định về hành lý tổ bay để hạn chế mức thấp nhất việc vận chuyển hành lý sai quy định, đảm bảo tổ bay mang hành lý phù hợp với nhu cầu cá nhân. 

Theo đó, đối với đường bay ngắn/trung chỉ cho phép mang cặp bay/vali xe kéo nhỏ. Đối với đường bay dài đi châu Âu, Úc và chuyên cơ có thời gian lưu trú dài ngày, mới sử dụng vali to. Túi đựng áo khoác phải cho vào vali/cặp bay. Chỉ thị cũng yêu cầu các trung tâm khai thác của VNA tại Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, chi nhánh tại nước ngoài, đặc biệt tại Nhật Bản, Nga, Úc và châu Âu phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này. Trong quy chế nội bộ, 100% phi công và tiếp viên VNA phải ký cam kết không buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu. Nếu vi phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Cục Hàng không cũng ban hành Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2023. Trong đó, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không. Đối với Tổng công ty quản lý bay VN và các DN cung cấp dịch vụ suất ăn, các DN cung cấp dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay, Cục Hàng không yêu cầu kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, đồ vật của đơn vị khi ra, vào hoạt động tại khu vực hạn chế cảng hàng không nhằm ngăn chặn việc thực hiện và tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Siết buôn lậu qua đường hàng không - Ảnh 4.

Thế nhưng vụ việc 4 tiếp viên của VNA xách hơn 11 kg ma túy từ Pháp về VN qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bị phát hiện hôm 16.3 cho thấy tình trạng buôn lậu qua đường hàng không ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thách thức quản lý... con người

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Phó ban Thường trực chống buôn lậu TP.Hà Nội, cho rằng thêm một công văn của Bộ Tài chính thực tế là "nắn" các cơ quan quản lý, gác cổng thương mại cần chú ý nhiều hơn và "kiểu như làm theo thời sự". Bởi trong thực tế, công văn chỉ đạo này nội dung cũng giống các chỉ đạo trước. "Công tác phòng chống buôn lậu luôn được nhắc nhở, liên tục và không ngơi nghỉ là điều bình thường. Chúng ta thiếu công tác tổ chức thực hiện chứ không thiếu công văn, quy định", ông Phú nói thẳng.

Cũng theo ông Phú, câu chuyện của cơ quan quản lý chống buôn lậu là quản lý con người, công khai minh bạch, thường xuyên, liên tục... Đó mới thách thức. Trong thực tế, đã có cả bao điện thoại bỏ trong cabin máy bay, ngoại tệ, vàng từ nước ngoài. Buôn lậu qua đường hàng không cũng nhiều nhưng số lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại, phân luồng, vi phạm trà trộn vào hàng hóa cũng rất nguy hiểm, nhất là hàng gửi dạng quà biếu, hàng quà tặng, hàng xách tay... "Chống buôn lậu qua đường hàng không cần bổ sung quy chế cho minh bạch hơn, giám sát cao hơn và phân đoạn quản lý rõ ràng. Khi đã có bổ sung tổ liên ngành, Bộ Tài chính hiểu rõ buôn lậu đang làm thất thu thuế rất nhiều. Nghiêm trọng hơn, làm lũng đoạn thị trường, tác động xấu đến nền kinh tế", ông Phú nhận xét.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Chinh, sự việc liên quan đến 4 tiếp viên hàng không của VNA vừa qua là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện, đào tạo cũng như chế độ đãi ngộ đối với nhân lực đặc thù là ngành hàng không. Nếu tính thực chất, lương, thưởng, đãi ngộ so với cường độ công việc và điều kiện để trở thành tiếp viên là không cao. Tuổi nghề của một tiếp viên cũng ngắn nên nếu có điều kiện, họ sẽ tận dụng nhiều cách để kiếm thêm thu nhập. 

Mặt khác, chuyện xách đồ từ nước ngoài về bán để tìm chênh lệch đã trở thành "truyền thống" từ lâu. Nó đúng quy luật cung - cầu, có cầu thì đương nhiên có cung. Nếu là hàng hóa bình thường thì hàng xách tay cũng là một kênh thương mại, thậm chí là một dòng chảy hợp pháp của thị trường. Không thể coi nó là hoàn toàn phi pháp, tuy nhiên cần được quy định trong giới hạn và mức độ cho phép. Cần cơ chế pháp lý kiểm tra chặt chẽ, quy định rõ ràng, hàng hóa nào, mức độ bao nhiêu được coi là hợp lệ. Kinh doanh như vậy đánh thuế ra sao, rà soát lại mức độ đó có phù hợp với quy định hiện nay không. Bởi nếu để việc buôn bán hàng xách tay diễn ra tràn lan, mất kiểm soát thì không chỉ nhà nước thất thu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các đại lý bán hàng trực tiếp.

Siết buôn lậu qua đường hàng không - Ảnh 5.

"Giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát buôn lậu qua đường hàng không là hàng rào thuế quan. Đơn cử, từ Mỹ đem hàng về Canada, hải quan chỉ cho phép mỗi người được mang 1 chai rượu và 1 cây thuốc lá. Nếu số lượng nhiều hơn thì phải đóng thuế. Tiền đóng thuế đôi khi còn đắt hơn mua tại nước sở tại. Cần lưu ý rằng hàng rào thuế quan chỉ thực hiện được khi các cơ quan kiểm tra làm việc đồng bộ và khách quan. Nếu như có thỏa thuận giữa tất cả các bên thì hàng rào thuế sẽ lại trở thành hình thức, thậm chí còn nhiêu khê hơn", ông Chinh nhấn mạnh. 

Vụ 4 tiếp viên hàng không mang ma túy từ Pháp về VN: Công an làm việc với người "môi giới"

Hôm qua 21.3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vẫn đang làm việc, lấy lời khai 4 nữ tiếp viên hàng không của hãng VNA, gồm: tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Th.Th., Võ T.Q., Trần Thị Th.Ng. và Nguyễn Th.V., để điều tra làm rõ vụ mang ma túy từ Pháp về VN qua sân bay Tân Sơn Nhất ngày 16.3. Theo nguồn tin, hiện 4 nữ tiếp viên này chưa bị khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Theo thông tin ban đầu, công an đã khám xét nhà 4 nữ tiếp viên nói trên nhưng không phát hiện thêm ma túy. Các tiếp viên khai nhận mang hàng hóa xách tay từ Pháp về VN thông qua một đồng nghiệp làm chung hãng. Qua người đồng nghiệp này, một trong số 4 tiếp viên đã trao đổi, thỏa thuận tiền công, chia nhau xách lô hàng "kem đánh răng" nặng 60 kg (bên trong là 11,5 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp) về sân bay Tân Sơn Nhất.

Nguồn tin cho biết công an đã làm việc với người giới thiệu số hàng cho 4 tiếp viên mang về VN. 4 tiếp viên chỉ cung cấp được tin nhắn trao đổi, thỏa thuận giá với "người giao hàng" tại Pháp với nội dung được trả tiền công hơn 10 triệu đồng cho tổng cộng 60 kg hàng mang về VN.

Hiện Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04, Công an TP.HCM) đang phối hợp lực lượng nghiệp vụ khác điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Ngọc Lê


Xử lý nghiêm bao che, tiếp tay, bảo kê, tham gia buôn lậu qua đường hàng không

Theo Quyết định số 15 của Bộ Tài chính, nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành là phải tiếp nhận, xử lý các thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; có quyền điều phối các đơn vị, lực lượng phối hợp xử lý vụ việc, tình huống đột xuất, phức tạp về buôn lậu hàng hóa qua đường hàng không; thông tin về các thủ đoạn mới trong buôn lậu, gian lận thương mại và tham mưu cho lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, tổ liên ngành có trách nhiệm tham mưu chỉ đạo xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê hoặc tham gia buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Tổ cũng sẽ tự giải thể khi đợt tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế kết thúc.

Bắt giữ hàng trăm vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không

Theo lãnh đạo phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan TP.HCM), trong năm 2022, toàn Cục đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ khoảng 83 vụ vi phạm liên quan đến ma túy với tổng số lượng tang vật vi phạm gần bằng 214 kg ma túy và tiền chất các loại. Trong đó có 74 vụ việc vi phạm vận chuyển trái phép ma túy được vận chuyển qua đường hàng không. Trong năm nay, tính đến vụ việc ngày 16.3 vừa qua là vụ thứ 9 về buôn lậu và vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không đã phát hiện và bắt giữ. Trước đó, cơ quan hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 8 vụ vi phạm liên quan đến ma tuý trong vòng chưa đầy 3 tháng đầu năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.