(TNO) Sáng nay 6.4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang đã chủ trì buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Qua đó, Bộ TN-MT đã trả lời nhiều câu hỏi, những vấn đề cụ thể của người dân về đất đai, khai thác khoáng sản và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường do các khu công nghiệp (KCN) gây ra.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhìn nhận quy hoạch xây dựng có tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp; chiến lược phát triển còn nhiều hạn chế, tầm dự báo còn kém; quy hoạch cách làm vẫn chưa bài bản, bó gọn trong địa phương nhất định, thiếu liên kết giữa các tỉnh trong vùng…
“Đây là trách nhiệm của cả hệ thống, trong đó trách nhiệm của Bộ TN-MT rất lớn”, ông Quang nói.
|
Bộ trưởng cho biết, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội quy hoạch sử dụng đất 10 năm tới nhằm khắc phục những mặt yếu kém đang tồn tại.
Bên cạnh đó, nhiều ví dụ về việc khai thác khoáng sản bừa bãi, ô nhiễm do các KCN đã được người dân nêu ra.
Trong đó, có việc khai thác và tinh chế Titan ngay trong TP.Huế; hiện trạng nhiều tàu hút cát lậu hoạt động trên các dòng sông gây sạt lở nhà cửa ven sông; nhiều hầm vàng chui mọc lên rầm rộ; sự cố rò rỉ hóa chất tại Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng; ô nhiễm sông Hồng tại Lào Cai; bồi lắng và ô nhiễm hồ Ba Bể…
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, cho biết: Tính đến cuối năm 2011, nước ta có 283 KCN. Trong đó có 180 KCN đã đi vào hoạt động, và có 65% xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuyến nhìn nhận, mức độ sử dụng các hệ thống xử lý nước thải ở các KCN là khác nhau nên nhân dân quanh các khu công nghiệp vẫn còn than phiền, đặc biệt là việc gây hại hoa màu, ô nhiễm không khí, tiếng ồn...
|
Ông Tuyến giải thích Bộ TN-MT chỉ thẩm định và phê duyệt các đánh giá tác động môi trường của các KCN rộng hơn 200 hecta hoặc có diện tích đất lúa 2 vụ lớn hơn 20 hecta, có hệ thống xử lý nước thải lớn hơn 5.000m3/ngày đêm. Số còn lại do Sở TN-MT thẩm định, UBND hoặc ban quản lý các KCN cấp tỉnh phê duyệt.
Đồng thời, Bộ TN-MT đã đề xuất Chính phủ và Quốc hội nâng mức phạt tối đa đối với đơn vị vi phạm từ 80 triệu đồng lên 500 triệu đồng và thậm chí tới 2 tỉ đồng.
“Quan điểm của chúng ta là phải làm như thế nào để bảo vệ tài nguyên của đất nước. Chúng ta sử dụng không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ ngày mai”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.
Vì vậy, ông Quang cho biết Bộ TN-MT sẽ tăng cường quản lý về tài nguyên khoáng sản, siết chặt, kiềm chế về khai thác tài nguyên khoáng sản để không gây tác hại nghiêm trọng cho thế hệ sau.
Nguyên Mi
>> Phát hiện cơ sở tái chế nhớt thải trái phép
>> Hà Okio: Tiết kiệm năng lượng vì túi tiền và môi trường sống
>> Dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm
>> Hơn 100 DN ký cam kết giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường
>> Bỏ nương rẫy, đổ xô đi đào đãi vàng
>> Người dân tiếp tục chặn xe bẩn gây ô nhiễm
>> Tạm đình chỉ DN gây ô nhiễm môi trường
>> Cơ sở chế biến thủy sản "xả bẩn" ra môi trường
>> Sẽ cưỡng chế cơ sở gây ô nhiễm
Bình luận (0)