'Siết' giờ lái xe của tài xế có phù hợp không?

08/08/2023 06:22 GMT+7

Giới hạn số giờ cầm lái của tài xế ô tô kinh doanh vận tải hiện nay còn chưa được kiểm soát triệt để, Bộ GTVT lại tiếp tục đề xuất siết thêm thời gian chạy xe.

Không phù hợp thực tiễn

Theo quy định tại điều 65 luật Đường bộ năm 2008, người lái ô tô kinh doanh vận tải không được lái xe liên tục quá 4 tiếng và tổng thời gian lái xe không quá 10 tiếng/ngày. Trong dự thảo luật Đường bộ đang hoàn thiện, Bộ GTVT đề xuất giảm thời gian lái xe xuống. Cụ thể, một ngày, tài xế không được cầm lái quá 8 tiếng, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3 tiếng, thời gian nghỉ tối thiểu 30 phút. Đối với tài xế taxi, xe buýt, thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục tối thiểu 5 phút. Các xe khác thời gian nghỉ tối thiểu 15 phút.

'Siết' giờ lái xe của tài xế có phù hợp không? - Ảnh 1.

Xe chạy ban đêm trên QL1A đoạn qua TP.Thủ Đức (TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

Bộ GTVT cho biết hiện cả nước có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được cấp phép với khoảng 900.000 phương tiện. Trong đó, có 308.776 xe khách và 566.870 xe tải các loại. Số lượng tài xế kinh doanh vận tải trên 1 triệu người. Qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, mặc dù các địa phương đã tăng cường xử lý nhưng vẫn còn nhiều tài xế vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 tiếng, chạy quá tốc độ... Do đó, cần thiết ban hành quy định trên phù hợp với bộ luật Lao động.

Đề xuất của Bộ GTVT một phần dựa trên thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phân tích hơn 11.043 vụ tai nạn giao thông xảy ra năm 2022 chỉ ra rằng, tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm chiếm chủ yếu, trong đó 40,33% số vụ xảy ra từ 16 - 22 giờ và 18,24% số vụ xảy ra từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau.

Tuy nhiên, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP.HCM, cho rằng căn cứ trên chưa đủ sức thuyết phục, bởi nếu coi số giờ chạy hiện nay là "quá tải" đối với các tài xế, thì trong số liệu thống kê tai nạn phải phân loại rõ bao nhiêu phần trăm do tài xế chạy xe quá thời gian quy định, bao nhiêu người chạy đúng thời gian quy định nhưng không đảm bảo sức khỏe, tỉnh táo nên dẫn tới tai nạn. Ngay trong phần diễn giải của Bộ GTVT đã chỉ ra nguyên nhân tai nạn là do "nhiều tài xế vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 tiếng, chạy quá tốc độ…". Nghĩa là, việc tuân thủ quy định hiện nay của tài xế và công tác kiểm soát, thanh tra, kiểm tra chưa tốt.

‘Siết’ giờ lái xe vào ban đêm: Tài xế trăn trở chuyện chậm giờ, tìm chỗ dừng

Trong khi đó, theo ông Tính, thời gian chạy xe gắn liền với lương, thu nhập của tài xế. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quy định chạy không quá 10 tiếng/ngày, nhưng có nhiều lái xe vẫn chạy tới 12, thậm chí 14 tiếng; không được chạy liên tục quá 4 tiếng nhưng vẫn "cố" chạy liền 5 - 6 tiếng. Chưa kể, chạy ban đêm đường vắng thông suốt, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, trời mát có thể giảm dùng điều hòa, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm độ hao mòn lốp... nên các tài xế vận tải hàng hóa thường ưu tiên chở hàng ban đêm để tăng hiệu quả. Các phương tiện xe khách cũng chọn cách tối ưu hành trình bằng việc chạy đêm. Giới hạn thời gian chạy liên tục không quá 3 tiếng là quá ngắn, không phù hợp thực tiễn.

Muốn dừng nghỉ cũng không có chỗ

"Áp dụng thế này thì thất nghiệp chắc luôn. Đã nghèo càng thêm đói", anh Trần Huỳnh, một tài xế lái xe đầu kéo tại TP.HCM, ta thán sau khi đọc đề xuất của Bộ GTVT.

Theo anh Huỳnh, hiện nay nhiều công ty vận tải giải thể, tài xế cũng mất việc làm, phải liên hệ nhiều nơi chạy xe kiểu thời vụ. Nếu siết giờ chạy, thu nhập của cánh tài xế sẽ càng giảm mạnh hơn. Bên cạnh đó, quy định tài xế phải dừng nghỉ nhưng thực tế trên đường rất khó để tìm chỗ dừng.

"Từ cảng bên Q.7 (TP.HCM) về miền Tây, đi đường Nguyễn Văn Linh cấm dừng đậu, QL1A cũng cấm dừng đỗ, qua cầu Rạch Miễu thì cấm xe theo giờ… rồi bảo chúng tôi tìm chỗ đậu nghỉ ở đâu? Xe container thì to, đi làn riêng chứ đâu phải muốn tạt chỗ nào dừng chỗ đó như xe con. Chưa kể, đường ùn tắc, kẹt xe có theo giờ giấc quy định không? Giờ yêu cầu không chạy quá 4 tiếng liên tục nhưng có những hôm đi từ Q.7 qua Q.2 thôi mà kẹt xe đứng 5 - 6 tiếng rồi. Đang kẹt như vậy thì có tính hết 4 tiếng rồi, dừng nghỉ thôi không?", anh Huỳnh nói.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Vinh, cũng nêu thực trạng hiện quy định tài xế chạy liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ vốn đã khó tuân thủ vì không có chỗ dừng an toàn. Quy định số giờ lái xe của VN hiện nay ngang bằng nhiều nước trong khu vực, nhưng cao tốc không có trạm dừng, xe tấp vào lề đường thì không được đậu đỗ, nguy cơ va chạm và gây tai nạn, ùn tắc còn cao hơn… 

Trong khi đó, đơn cử như ở Malaysia, tài xế chạy xe gần như hoàn toàn theo lộ trình, hết 4 tiếng sẽ đến trạm dừng nghỉ có chỗ vệ sinh, giặt giũ, tắm rửa, nghỉ ngơi ăn uống miễn phí. Nhật Bản và nhiều nước cũng như vậy. VN gần như không có nên tài xế muốn dừng nghỉ ngơi, ăn uống thì vừa khó, vừa tốn thêm chi phí cho doanh nghiệp (DN).

"Quy định giờ chạy hiện nay đã có nhưng còn bất cập là do nhà nước chưa đảm bảo được hạ tầng bãi đỗ trạm dừng, trạm trung chuyển… và công tác kiểm tra chưa nghiêm. Chỉ cần siết quản lý theo quy định hiện nay thì cũng phải có tới 90% DN bị xử phạt. Ngành vận tải đường bộ hiện cực kỳ khó khăn. Nhiều chủ DN đã 2 - 3 năm nay phải lấy tiền túi, vay ngân hàng với tư cách cá nhân, bán dần tài sản để gồng gánh. Nếu những bất cập hiện tại chưa chấn chỉnh được mà cơ quan quản lý đã muốn siết tiếp vào thì sẽ đẩy DN vận tải đến bờ vực phá sản", ông Vinh lo ngại.

Tăng chi phí, tăng áp lực hạ tầng giao thông

Ước tính việc giảm thời gian chạy xe của tài xế từ 10 tiếng xuống 8 tiếng/ngày sẽ làm tăng chi phí nhân lực hoạt động vận tải đường bộ thêm từ 15 - 20%, đặc biệt với xe vận tải đường dài. Sẽ có một tỷ lệ đáng kể số chuyến xe nếu theo quy định hiện hành chỉ cần bố trí 1 - 2 tài xế, còn theo đề xuất mới phải bố trí 2 - 3 tài xế. Ngoài ra, việc siết thời gian chạy ban đêm có thể khiến lượng lớn xe vận tải dồn sang chạy ban ngày, càng gia tăng thêm áp lực cho mạng lưới hạ tầng giao thông hiện nay.

Ông Trần Đức Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta)

Chỉ cần tuân thủ quy định hiện nay

Nếu chỉ vì an toàn thì giới hạn 3 hay 4 tiếng liên tục, chạy 8 hay 10 tiếng/ngày cũng chỉ đảm bảo an toàn trên lý thuyết còn thực tế chỉ cần đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện nay, mỗi xe đủ 2 tài xế là giải quyết được rủi ro tai nạn giao thông. Vấn đề là các cơ quan quản lý có kiểm soát hay không vì hiện nay xe nào cũng có gắn hệ thống GPS, kiểm soát rất dễ.

Ông Lê Trung Tính (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.