Siết phổ biến phim trên không gian mạng

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
17/03/2023 07:27 GMT+7

Nhiều quy định mới về việc phổ biến phim trên không gian mạng, trong đó có việc xử phạt, đã được thực thi khi Nghị định 128/2022 có hiệu lực từ ngày 15.2.2023, sau hai Nghị định 131/2022, Nghị định 71/2022 có hiệu lực từ đầu năm nay.


Phạt tiền và bắt buộc gỡ bỏ phim vi phạm

Nghị định 128/2022 có nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm về điện ảnh, trong đó có các hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim trên không gian mạng. Nghị định 128/2022 được ban hành tạo hành lang pháp lý đầy đủ, giúp cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

Siết phổ biến phim trên không gian mạng  - Ảnh 1.

Các phim Việt chiếu trên Netflix, và nền tảng này sẽ bị chặn nếu không có pháp nhân đại diện tại VN

T.L

Theo đó, khoản 7 điều 10 mục I, chương II của Nghị định 128/2022 quy định phạt tiền đối với các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng. Mức phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi không thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VH-TT-DL trước khi thực hiện phổ biến phim theo quy định; từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi không triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm theo quy định. Mức phạt tiền cao nhất từ 80 - 100 triệu đồng đối với các hành vi: không phân loại phim theo quy định; không thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát độ tuổi xem phim, để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm theo quy định; không ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại điều 9 luật Điện ảnh và các quy định của pháp luật khác có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cùng với các mức phạt tiền, các đối tượng vi phạm bị buộc phải gỡ bỏ phim trên không gian mạng.

Trong khi đó, Nghị định 131/2022 quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023 cũng quy định những nội dung liên quan đến việc phổ biến phim trên không gian mạng, trong đó "bắt buộc phải có phương án kỹ thuật và quy trình thực hiện tạm dừng phổ biến, gỡ bỏ phim theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền". Thời gian dừng, gỡ bỏ phim chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm tại điều 9 luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan; trong vòng 3 - 5 ngày đối với các nội dung vi phạm khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh. Đáng chú ý nhất là bắt buộc "chậm nhất không quá 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu với trường hợp phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng có nội dung vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia VN".

"Mạnh tay" với các nền tảng nước ngoài

Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 (gọi tắt là luật Điện ảnh) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2023. Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã lựa chọn cả hai cách tiền kiểm và hậu kiểm để quản lý phim trên không gian mạng, chứ không chọn một trong hai dễ gây sơ sót, bởi chỉ tiền kiểm như cách đang làm với phim chiếu rạp là bất khả thi. Tiền kiểm tức là "siết" hơn về các quy định đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng, cũng như danh sách phim và mức phân loại trước khi phổ biến. Khâu hậu kiểm có áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm. Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với các sự việc liên quan đến những bộ phim phổ biến trên không gian mạng có những hình ảnh, nội dung sai trái về chủ quyền biển đảo VN, dữ liệu sai lệch về lịch sử VN, như phim Little Women, Pine Gap, Put Your Head On My Shoulder và Madam Secretary phát sóng trên Netflix thời gian qua đã cho thấy vẫn còn nhiều bất cập khi có những đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng có thu phí tại VN nhưng không chịu sự quản lý, dẫn đến tình trạng nhiều lần vi phạm.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết các phim phát sóng này vi phạm cả luật Báo chí và luật Điện ảnh. Tuy nhiên, phía Công ty Netflix (Mỹ) lại không bị phạt, chỉ buộc yêu cầu gỡ phim ngay, do không có tư cách pháp nhân ở VN.

Theo Nghị định 71/2022 có nội dung sửa đổi Nghị định 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, hiệu lực từ ngày 1.1.2023, doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền với loại hình dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua internet) cần được cấp phép như DN trong nước và bắt buộc phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân đại diện tại VN để chịu sự quản lý của pháp luật VN. Mới đây, Netflix cho biết sẽ mở văn phòng đại diện tại VN vào cuối năm 2023 nếu các thủ tục liên quan được thực hiện đúng kế hoạch. Tuy nhiên, theo nguồn tin hiện tại, sau 2 tháng làm thủ tục, Netflix chưa đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý VN. Các DN OTT trong nước cũng đang bức xúc vì các nền tảng nước ngoài chiếu phim trực tuyến thoải mái nhưng chưa bị quản lý tại VN; và nêu ý kiến nên chăng Bộ TT-TT siết chặt bằng cách phối hợp các đơn vị viễn thông để chặn truy cập, cấm hoạt động như cách cơ quan quản lý đã chặn các website phim lậu, vi phạm bản quyền trước đây.

Hiện ngoài Netflix, còn có 1 DN Mỹ và 3 DN Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ truyền hình qua internet xuyên biên giới ở VN; và các DN này đều đã được Bộ TT-TT ra các văn bản hướng dẫn từ cuối năm 2022, hướng dẫn tuân thủ các quy định mới được ban hành. Trong trường hợp các DN xuyên quốc gia, sau khi được hướng dẫn đầy đủ, nếu vẫn tiếp tục hoạt động không đúng pháp luật VN thì đã có cơ sở pháp lý là Nghị định 71/2022 với những điều khoản quy định về ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Như vậy, với 3 Nghị định mới được thực thi từ đầu năm nay, các cơ quan chức năng đang kỳ vọng vào việc quản lý chặt các hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng; và hoạt động cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên mạng internet của các DN xuyên biên giới tại VN phải được đưa vào khuôn khổ pháp luật VN, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng cho các DN trong nước trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh những rủi ro phát tán phim có nội dung xuyên tạc...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.