Siết SIM rác có chặn được tin nhắn, cuộc gọi rác?

Mai Phương
Mai Phương
16/03/2024 06:50 GMT+7

Từ ngày 15.4 tới, các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ bị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới nếu phát hiện còn SIM rác. Đồng thời, Bộ TT-TT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của đơn vị vi phạm.

Đó là nội dung Văn bản số 877 do Bộ TT-TT vừa gửi các doanh nghiệp (DN) viễn thông nêu rõ về trách nhiệm của người đứng đầu DN trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao di động.

Siết nhà mạng, chặn SIM rác

Cụ thể, trước ngày 15.4, các nhà mạng phải hoàn thành xử lý toàn bộ các SIM có dấu hiệu tồn kênh, bảo đảm tất cả các SIM trước khi được bán phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao (có hoặc không có gói cước). SIM khi đưa vào sử dụng phải có thông tin thuê bao chính xác, trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng. Đồng thời nhà mạng phải chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, làm rõ việc sử dụng các số thuê bao do tổ chức, cá nhân có giấy tờ đăng ký nhiều SIM (từ 4 - 9 SIM trên một giấy tờ) bảo đảm thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định.

Siết SIM rác có chặn được tin nhắn, cuộc gọi rác?- Ảnh 1.

Hy vọng SIM rác bị ngăn chặn thì nạn cuộc gọi rác sẽ giảm bớt

Nhật Thịnh

Sau đó, từ ngày 15.4, các DN viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM rác. Trường hợp phát hiện SIM rác, SIM đưa vào sử dụng nhưng có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…, thì DN sẽ bị xử lý vi phạm (mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới). Đồng thời Bộ có văn bản nhắc nhở DN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của DN vi phạm.

Văn bản mới này đã đưa ra thời hạn cuối để các nhà mạng xử lý triệt để tình trạng SIM rác. Trước đó, từ giữa tháng 9.2023, các nhà mạng đã cắt quyền kích hoạt SIM của các đại lý chính thức. Các đại lý chỉ bán SIM và khách hàng phải ra cửa hàng, phòng giao dịch của nhà mạng để đăng ký thông tin hoặc tự đăng ký thông qua ứng dụng trên smartphone để sử dụng. Quy định này khiến việc mua SIM kích hoạt sẵn ở các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài hầu như không còn.

Tuy nhiên, dù số lượng đã giảm hẳn nhưng vẫn còn một số cá nhân mua SIM trên mạng, thông qua các sàn thương mại điện tử có rao bán SIM kích hoạt sẵn và người mua chỉ cần nạp tiền là sử dụng ngay. Ngày 15.3, PV Thanh Niên thử tìm trên các sàn Lazada, Shopee thì giữa rất nhiều thông tin rao bán SIM điện thoại ghi rõ chưa kích hoạt sẵn thì vẫn còn vài cá nhân rao bán SIM đã đăng ký thuê bao sẵn với giá khoảng 115.000 - 120.000 đồng…

Hết SIM rác, có chặn được tin nhắn và cuộc gọi rác?

Theo Bộ TT-TT, thời gian qua các nhà mạng đã xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 10 triệu thuê bao thuộc tập sử dụng 1 giấy tờ tùy thân để đứng tên hơn 10 SIM, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Ngoài ra, mỗi tháng các DN viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Nhưng trên thực tế, người dùng hằng ngày vẫn nhận được rất nhiều tin nhắn và cuộc gọi rác, trong đó bao gồm quảng cáo và mang tính lừa đảo. Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, hy vọng sau ngày 15.4 thì tin nhắn, cuộc gọi rác sẽ giảm bớt. Tuy nhiên SIM rác cũng chỉ là một phương tiện để thực hiện tin nhắn, cuộc gọi rác. Các cá nhân, đơn vị phát tán quảng cáo hay các hình thức lừa đảo sẽ có thể chuyển sang những hình thức khác như thông qua mạng xã hội, nhắn tin và gọi điện từ các ứng dụng như Telegram, Viber, Zalo…

"Thông tin thuê bao người dùng, SIM rác vẫn phải được kiểm soát, theo dõi thường xuyên và cảnh báo hình thức lừa đảo cho người dùng. Đồng thời phải có thêm cơ chế như thế nào để người tiêu dùng có thể khởi kiện, yêu cầu các cá nhân, đơn vị phát tán quảng cáo và cả nhà mạng bồi thường khi thường xuyên bị "bom" tin nhắn, cuộc gọi rác", ông Võ Đỗ Thắng nói.

Đồng tình, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn (NTS Security), cũng cho rằng "cắt" SIM rác cũng sẽ giúp cho tin nhắn, cuộc gọi rác giảm bớt về số lượng. Tuy nhiên sẽ không thể nào hoàn toàn ngăn chặn được tình trạng này do nhu cầu quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của các công ty, DN vẫn luôn có. Vì vậy sau khi triệt để xử lý SIM rác, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục yêu cầu nhà mạng đảm bảo thực hiện theo quy định để ngăn chặn hành vi phát tán tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo đến những người dùng đã đăng ký không nhận dịch vụ này.

Quy định này đã có nhưng nhiều người đăng ký không nhận quảng cáo mà vẫn bị các đơn vị quảng cáo "dội bom". Nhà mạng phải đảm bảo những khách hàng đã đăng ký không nhận quảng cáo sẽ tránh được "bom" tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo. Nếu không thì cần có thêm cơ chế chế tài bên vi phạm hay bồi thường đối với khách hàng bị gây phiền hà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.