Siêu cảng Cần Giờ trước thời cơ lịch sử

17/08/2024 06:21 GMT+7

Nghiên cứu "thần tốc", xây dựng và hoàn thiện đề án "thần tốc", siêu cảng quốc tế Cần Giờ đang kỳ vọng sớm hoàn tất những thủ tục pháp lý quan trọng nhất để tạo nên dấu mốc lịch sử cho kinh tế TP.HCM.

Đủ căn cứ chính trị và pháp lý

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (Cảng Cần Giờ), dựa trên Báo cáo thẩm định đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư từ phía Bộ KH-ĐT.

Siêu cảng Cần Giờ trước thời cơ lịch sử- Ảnh 1.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

CTV

Xu thế dịch chuyển đang tạo cho chúng ta nhiều cơ hội về nguồn hàng. Hiếm có cơ hội để một doanh nghiệp quốc tế cam kết đầu tư. Chúng ta còn chần chừ, không làm nhanh thì sẽ mất thời cơ. Thời cơ là quan trọng nhất, quan trọng hơn tất cả những lợi ích lặt vặt khác.


PGS-TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN)

Các nội dung chính của Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn được Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng phê duyệt gồm: vốn đầu tư tối thiểu 50.000 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án; thời hạn hoạt động không quá 50 năm; nhà đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hình thức lựa chọn nhà đầu tư do UBND TP.HCM thực hiện theo quy định tại khoản 7, điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15…

Theo đó, Phó thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp để thảo luận về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này trong thời gian sớm nhất. Nhằm đảm bảo chất lượng nội dung cho cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ: GTVT, TN-MT, NN-PTNT, Ngoại giao, Quốc phòng, dựa trên chức năng và nhiệm vụ của mình, đưa ra ý kiến cụ thể về các kiến nghị và đánh giá trong Báo cáo thẩm định của Bộ KH-ĐT.

Trước đó, trong Báo cáo thẩm định gửi Thủ tướng Chính phủ về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, Bộ KH-ĐT khẳng định đã có đủ căn cứ chính trị và pháp lý để xem xét quyết định chủ trương đầu tư cho dự án. Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đưa Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào nhóm các dự án thực hiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược làm cơ sở thúc đẩy kinh tế và làm động lực phát triển cho TP.HCM nói riêng, cũng như vùng Đông Nam bộ nói chung.

Bộ KH-ĐT nhấn mạnh: "Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn khi được triển khai thành công, sẽ bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng biển hiện hữu; tương hỗ và khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4 trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế; khẳng định vị thế và định vị quốc gia của VN trên bản đồ hàng hải quốc tế với vai trò trung tâm trung chuyển vận tải, logistics lớn của khu vực và thế giới. Dự án còn giúp VN trở thành khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và có tính chất, ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế biển".

Nhìn lại hành trình của Cảng quốc tế Cần Giờ, với tổng mức đầu tư gần 5 tỉ USD, tiến độ thúc đẩy siêu dự án này phải được gọi là "thần tốc". Lần đầu tiên người dân TP.HCM nghe tới "Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ" là khi UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất đầu tư dự án do Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng Tổng công ty hàng hải VN - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn nghiên cứu vào tháng 7.2022. Chỉ vài tháng sau, từ cuối năm 2022, trong kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển trên địa bàn đến năm 2030 của UBND TP.HCM, đầu tư cảng container trung chuyển quốc tế tại H.Cần Giờ đã nằm trong hạng mục ưu tiên nghiên cứu quy hoạch.

Ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2023, việc xây dựng "siêu cảng" tỉ USD này đã liên tục được đề cập. UBND TP cùng đơn vị nghiên cứu đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên môn để lấy ý kiến chuyên gia hoàn thiện đề án nghiên cứu, cũng như truyền thông cho người dân hiểu mục tiêu và quy mô của dự án. Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM nhanh chóng hoàn thiện đề án, trình Chính phủ trước quý 4. Đến tháng 8.2023, toàn bộ ý tưởng về một trung tâm trung chuyển cho các tàu mẹ (sức chở 10.000 - 24.000 TEU) đặt tại huyện đảo Cần Giờ đã được trình bày chi tiết trong tờ trình gửi Thủ tướng.

Tiến độ triển khai "thần tốc" bởi siêu cảng Cần Giờ là dự án được lãnh đạo TP.HCM đặt rất nhiều kỳ vọng để đẩy mạnh kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển. Trong đó, vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt, thay đổi phương thức phát triển của TP, chuyển từ tăng trưởng dựa trên đất đai sang dựa vào biển. So với các cảng biển lớn xây dựng sau này, cảng Sài Gòn hiện nay trở nên nhỏ bé, khiêm tốn. Song, đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã là thương cảng hàng đầu của vùng Viễn Đông, là cửa ngõ ra thế giới cho 75% lượng hàng hóa xuất khẩu của xứ Đông Dương. TP.HCM đang quyết tâm giành lại vị thế đó. Vì thế, lãnh đạo TP dự kiến ngay sau khi nhận được "cái gật đầu" của Chính phủ sẽ lập tức huy động nguồn lực, mục tiêu sớm khởi công dự án từ năm 2025 để đưa vào khai thác cảng từ 2027.

Cơ hội không thể để lỡ

Thời cơ là yếu tố mà PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đặc biệt lưu ý đối với dự án siêu cảng Cần Giờ. Ông nhấn mạnh việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần phải đặt trong tầm, thế của đất nước ở giai đoạn này để thấy đây là cơ hội lịch sử, là thời cơ không cho phép chậm trễ.

"Hiện nay, 10 cảng biển lớn nhất thế giới thì 9 cảng nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong đó, Trung Quốc xây dựng tới 7 cảng, Hàn Quốc và Singapore mỗi nước đều có cảng trung chuyển. Trong khoảng không chật hẹp đó, nếu VN có thêm một cảng trung chuyển thì cơ hội sẽ thế nào? Yếu tố quyết định hàng đầu trong vận tải hàng hải là hãng tàu. Chúng ta đã mời được hãng tàu lớn nhất thế giới tham gia, vậy triển vọng của cảng này như thế nào? Cụm cảng Cần Giờ và Cái Mép - Thị Vải mà được sự dẫn dắt của 1 - 2 hãng tàu lớn nhất thế giới thì sự cộng hưởng lợi ích là vô tận. Xu thế dịch chuyển đang tạo cho chúng ta nhiều cơ hội về nguồn hàng. Hiếm có cơ hội để một doanh nghiệp quốc tế cam kết đầu tư. Chúng ta còn chần chừ, không làm nhanh thì sẽ mất thời cơ. Thời cơ là quan trọng nhất, quan trọng hơn tất cả những lợi ích lặt vặt khác", chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

Dẫn câu chuyện quá trình nghiên cứu dự án cảng Liên Chiểu ở Đà Nẵng khi đã có cảng Chân Mây, cảng Chu Lai, TS Trần Đình Thiên cho rằng chỉ cần có sự tham gia của một hãng tàu quốc tế thì hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế. Chúng ta bàn câu chuyện cảng quốc tế thì không thể chỉ tính tiềm năng nguồn hàng nội địa, của vùng mà phải bàn theo định hướng quốc tế, nhìn trên sự chuyển dịch nguồn hàng quốc tế.

Ông Bùi Văn Trung, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN, đánh giá những thay đổi về địa chính trị tạo ra xu hướng các nhà đầu tư xây dựng các dự án cực lớn, có tính đột phá mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, cảng biển. Trung Quốc, Singapore cùng một số nước khác đầu tư rất mạnh tay, góp phần thay đổi hoàn toàn bộ mặt các địa phương. Tại VN, vận chuyển hàng hóa quốc tế là một trong những ước mơ của ngành hàng hải VN, nhưng vài chục năm qua vẫn không làm được.

Ngoài ra, đội ngũ chủ tàu VN rất đông nhưng thực trạng rất yếu. Chúng ta không mở được những tuyến quốc tế chạy sang Mỹ, châu Âu mà chỉ chạy loanh quanh khu vực châu Á, bởi mở các chuyến quốc tế không hề dễ dàng. Lực yếu, thị trường không có. Cảng trung chuyển quốc tế mở cơ hội hợp tác với các hãng tàu hàng đầu thế giới, sau này đội tàu VN có thể kết hợp các đơn vị, hỗ trợ nhau để kết nối tới các cảng trung chuyển quốc tế khác. Từ hạt nhân hợp tác đó, có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực, thúc đẩy đội tàu Việt phát triển.

"Quan trọng nhất là phải đẩy tiến độ nhanh hơn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm tham gia cùng doanh nghiệp VN thực hiện dự án. Nếu cứ xem xét quá lâu thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ nản, nguy cơ bỏ cuộc", ông Bùi Văn Trung nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.