Siêu máy bơm hết 'phép'?: Gây nhiều tranh cãi

21/03/2018 09:28 GMT+7

Thực tế, ngay từ khi máy bơm 'khủng ' bắt đầu được đưa vào hoạt động, công năng và tác động của nó đã gây rất nhiều tranh cãi.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, cho biết kể từ khi lắp đặt xong máy bơm thông minh và đưa vào thử nghiệm ngày 19.9.2017, đúng mùa ngập lụt của TP, đã có 13 lần thử nghiệm thành công. Chủ đầu tư máy bơm cũng nhiều lần khẳng định "không hết ngập - không lấy tiền".
Đồ họa: Du Sơn
Tuy nhiên không ít lần đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn rơi vào tình trạng ngập nặng dù máy bơm đã hoạt động.
Đơn cử như trường hợp mưa kéo dài chưa đến 1 giờ đồng hồ, vũ lượng chỉ 40 mm vào ngày 17.10, siêu máy bơm được cho khởi động ngay nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngập sâu, phía Quang Trung sau đó thông tin nguyên nhân là do có quá nhiều rác và chất thải xây dựng “không biết từ đâu” xuất hiện đầy trong lòng cống, gây tắc nghẽn, vô hiệu hóa máy bơm.
Hay như trước đó, trận mưa ngày 30.9, chỉ sau 1 giờ mưa lớn, cả khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập kinh hoàng, kéo dài như sông. Vậy mà phải đến khi mực nước dâng đạt 65 cm thì máy bơm thông minh mới được vận hành và hơn 1 giờ đồng hồ sau, tuyến đường qua khu vực mới hết ngập hoàn toàn. Ông Nguyễn Tăng Cường giải thích sau 2 lần thử nghiệm thành công với lượng mưa thấp, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu thử nghiệm ở trận mưa lớn hơn, khoảng 70 -100 mm. Vì thế khi đường vừa ngập, ông Cường đã gọi ngay cho đại diện Trung tâm chống ngập xuống chứng kiến quá trình vận hành của máy bơm để đánh giá tác dụng đối với lượng mưa lớn.
Kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D & C không thỏa mãn với lý do này. Ông cho rằng sử dụng máy bơm công suất lớn như vậy vừa không hết ngập, vừa tốn tiền và kéo theo nhiều hệ lụy. Dưới góc độ chuyên môn, ông phân tích: Thứ nhất, máy bơm đang được Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đưa vào vận hành có công suất tối đa lên tới 96.000 m3/giờ. Với công suất rất lớn như vậy, nếu lượng nước chảy vào ít, miệng hút máy bơm còn hở, còn không khí lọt vào thì máy bơm chưa thể hoạt động được. Còn nếu để nước dâng lên vừa đầy miệng hút, khởi động máy bơm hút hết luôn nước, không khí lại lọt vào sẽ không thể tiếp tục bơm được nữa. Như vậy vẫn phải chấp nhận ngập trong một mức độ nhất định.
Thứ hai, lượng nước đến không đủ cho máy bơm hoạt động, TP phải đầu tư xây dựng hệ thống cống lớn hơn để dẫn nước về máy bơm. Nếu TP có đủ tiền đầu tư hệ thống cống thì làm được bao nhiêu giải pháp hết ngập bền vững rồi, cần gì dùng đến máy bơm “chữa cháy” nữa.
Thứ ba, nhược điểm lớn nhất của hệ thống cống ở TP.HCM hiện nay là các mối nối cống không kín, việc sử dụng máy bơm tạo áp lực quá lớn lên các mối nối như vậy chắc chắn về lâu dài sẽ gây sụt lún dọc các tuyến cống thu nước về. Chưa kể đến khi mưa lớn, ngập lụt đúng lúc triều cường, với hệ thống ống cống hở, thông ra sông như hiện nay thì coi như cứ bơm vòng tròn, bơm đổ ra sông, nước theo thủy triều len vào các ống cống, lại được bơm rồi đổ ngược lại sông, coi như tốn công vô ích.
Theo kỹ sư Lê Thành Công, nguyên tắc cơ bản, “án di bất dịch” trong việc chống ngập là phải lưu lại lượng nước dâng, điều tiết và xả nước từ từ. Giải pháp hất nước ra nhanh là không tốt.
Hợp đồng đầu tiên đã hết hạn từ 31.12.2017
Ngày 2.10.2017, Trung tâm chống ngập TP.HCM đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung - chủ đầu tư công trình máy bơm công suất lớn - để chống ngập khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh. Theo hợp đồng, chủ đầu tư chính thức giao cho TP dịch vụ xử lý chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 2.10 - 31.12. Hợp đồng có thể được gia hạn theo yêu cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.