Siêu núi lửa đe dọa châu Âu

03/01/2011 22:43 GMT+7

Giới khoa học châu u đang báo động về khả năng một siêu núi lửa có thể hủy diệt châu lục này trong tương lai không xa.

2.000 năm trước, núi lửa Vesuvius tiêu diệt thành phố Pompeii, gần vị trí của thành phố Naples, Ý bây giờ. Ngày nay, một siêu núi lửa còn lớn hơn, với sức mạnh khủng khiếp hơn Vesuvius đang lẩn khuất ở phía tây Naples, theo tờ Daily Mail. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu phun trào, “người khổng lồ” Campi Flegrei có thể quét sạch toàn bộ sự sống tại châu u.

Chấn động liên tục

Trong những ngày gần đây, hơn 1.000 cơn địa chấn nhỏ liên tục làm rung chuyển Naples, xé toạc bề mặt lát đường của thành phố tuyệt đẹp ở tây nam nước Ý. Bên trong trung tâm điều khiển của Viện Địa vật lý và khoa học núi lửa quốc gia, một dãy màn hình liên tục đưa ra dữ liệu cho thấy những trận động đất này là sản phẩm của một trong những núi lửa lớn nhất và nguy hiểm nhất thế giới: Hõm chảo Campi Flegrei.

Nếu so sánh, Vesuvius, thủ phạm nhấn chìm thành phố Pompeii thời La Mã, chỉ là nốt mụn trên lưng của con rồng đang say ngủ Campi Flegrei, một hõm chảo núi lửa có bề ngang đến 6,4 km. Cách đó không xa, vùng đất xung quanh thị trấn cổ Pozzuoli như bị kéo căng ra. Các lỗ phun khí liên tục thải ra những luồng hơi đầy CO2. Phía dưới bề mặt ở độ sâu khoảng 7,2 km, một khối lượng nham thạch khổng lồ đang rò rỉ và di chuyển theo hướng lên trên mặt đất. Daily Mail dẫn lời các chuyên gia của viện trên nói hiện tượng bề mặt Trái đất bị sưng phồng và đứt gãy cùng với một loạt các đợt phun trào nhỏ cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng cả khu vực Campi Flegrei sụp xuống hồ chứa nham thạch khổng lồ dưới lòng đất.


Naples nằm giữa Campi Flegrei và đỉnh Vesuvius - Ảnh: Daily Mail

Lần cuối mặt đất lâm vào tình trạng như trên là vào 39.000 năm trước, khi hõm chảo Campi Flegrei hình thành, tạo nên các vách đá ở thị trấn Sorrento ngày nay. Nếu một lần phun trào tương tự xảy ra trong hiện tại, một phần nước Ý sẽ bị xóa sổ, và các đám mây tro bụi sẽ che lấp mặt trời, hạ nhiệt độ trên toàn cầu. Cuộc sống ở nhiều nơi tại châu u chấm dứt, và con người sẽ bị đẩy vào một thời đại tối tăm, đói khát cùng mùa đông kéo dài.

Khoan núi lửa

Các siêu núi lửa trên thế giới

Đỉnh Tambora, Indonesia: Một đợt phun trào năm 1815 khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng vì nham thạch, tro bụi, sóng thần, bệnh tật. Đám mây bụi từ Tambora khiến nhiệt độ toàn cầu giảm từ 0,4 đến 0,7 độ C.

Đỉnh Sakurajima, Nhật Bản: Một trong những núi lửa “năng động” và nguy hiểm nhất thế giới.

Đỉnh Yellowstone, Mỹ: Nếu phun trào một lần nữa, nó sẽ hủy diệt toàn bộ vành đai nông nghiệp của Mỹ.

Hiện một đội ngũ chuyên gia quốc tế muốn khoan sâu vào lòng hõm chảo để tìm hiểu tại sao một phần khu vực này đã được nâng cao thêm 3m kể từ năm 1969. Daily Mail dẫn lời Giuseppe De Natale, chuyên gia chịu trách nhiệm về dự án khoan, cho hay khả năng xảy ra một đợt phun trào sắp tới là hoàn toàn có thể. Vấn đề ở đây là ai trong vùng cũng biết đến tiếng tăm của núi lửa Vesuvius, nhưng lại có quá ít người nhận thức được rằng cả khu vực đang nằm trên miệng núi lửa đáng “bậc cha chú” của nó.

Kế hoạch của De Natale là khoan sâu đến 4.000m vào lòng núi lửa Campi Flegrei bằng mũi khoan InnovaRig. Công cụ tiên tiến này có khả năng thay đổi đầu mũi khoan trong lúc hoạt động để đo nhiệt độ, lấy mẫu đất, khí trước khi chuyển sang mũi khoan cơ khí để khoan tiếp. Theo tính toán, việc dừng lại ở độ sâu 4.000m sẽ cho phép giới khoa học tiếp cận an toàn núi lửa, do hồ chứa nham thạch nằm sâu thêm 3,6 km nữa. Việc đo nhiệt độ thay đổi tại đây sẽ giúp các chuyên gia có được bức tranh chính xác về núi lửa này, cũng như kích thước của hồ chứa nham thạch khổng lồ phía dưới.

Tuy nhiên, do kế hoạch khoan núi lửa có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của 1,5 triệu dân tại Naples cũng như cả châu u nên đã gây ra nhiều lo ngại. Chính quyền Naples vừa ra lệnh ngừng dự án trên sau lời cảnh báo từ một nhà khoa học nổi tiếng rằng hành động khoan núi lửa có thể kích hoạt một đợt phun trào mới. Daily Mail dẫn lời nhà địa hóa học Benedetto De Vivo đã đưa ra một ví dụ tại Indonesia, một đợt khoan khai thác khí đốt đã làm núi lửa Lusi ở tỉnh Đông Java phun trào hồi tháng 5.2006. Cho đến khi giới khoa học tìm ra phương pháp khả thi và an toàn nhất để thăm dò Campi Flegrei, dân chúng sẽ còn nhiều phen hốt hoảng mỗi khi nó “cựa mình”.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.