'Siêu' sân bay Long Thành tăng tốc

26/08/2023 07:02 GMT+7

Chỉ còn vài ngày nữa, nhà ga hành khách cùng hạ tầng đường băng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ chính thức khởi công. Sau gần 1 năm "trượt" tiến độ so với kế hoạch đề ra, 2 hạng mục quan trọng nhất khai máy trong sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị kỳ vọng đưa giấc mơ "siêu" cảng hàng không quốc tế sớm thành hiện thực.

Sẵn sàng "đổ" lực thi công

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV, chủ đầu tư) vừa thông tin sẽ tổ chức khởi công xây dựng công trình nhà ga hành khách và đường băng cất hạ cánh của dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành (Đồng Nai) giai đoạn 1 vào ngày cuối cùng của tháng 8. Đây là những công trình quan trọng, có giá trị lớn của đại dự án. 

Trong đó, nhà ga hành khách có giá trị lên tới 35.000 tỉ đồng được xem là "trái tim" của sân bay Long Thành với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế như: mái, góc nhìn mặt chính, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục... 

Điểm nhấn kiến trúc là ô lấy sáng và ô thông tầng trung tâm nhà ga, nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn. Nhà ga được xây trên khu đất rộng 150 ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm một tầng trệt và 3 lầu, đỉnh mái cao gần 46 m, bố trí 40 vị trí đỗ máy bay.

'Siêu' sân bay Long Thành tăng tốc - Ảnh 1.

Phối cảnh khu vực bên trong sảnh làm thủ tục tại sân bay Long Thành

ACV

Công trình ban đầu được dự kiến khởi công vào cuối năm 2022, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025; nhưng do thủ tục đấu thầu chọn nhà thầu thi công gặp khó khăn nên "trượt" tiến độ gần 1 năm, đến nay mới chuẩn bị chính thức thi công. ACV cũng đã xin Chính phủ cho phép lùi tiến độ nhà ga tới năm 2026 mới đưa vào khai thác. Trong khi đó, công trình đường băng cất hạ cánh có trị giá 7.308 tỉ đồng, thời gian thi công dự kiến là 700 ngày. Đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, rộng 45 m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3 ha; 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha.

Sáng qua (25.8), UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã bàn giao toàn bộ 5.000 ha mặt bằng dự án sân bay Long Thành cho Cảng vụ hàng không miền Nam, sau 5 năm chật vật triển khai đầy khó khăn. Do khối lượng công việc lớn, tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần điều động, biệt phái hơn 100 cán bộ về hỗ trợ H.Long Thành thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, hạng mục đào đắp, san nền của dự án cũng đã cơ bản hoàn thành.

'Siêu' sân bay Long Thành tăng tốc - Ảnh 2.

Phối cảnh sân bay Long Thành

ACV

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho biết ngay từ khi trình Chính phủ và Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ đầu tư đã xác định rõ mục tiêu công trình có thiết kế kỹ thuật mở, nghĩa là được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không trên thế giới. Các công nghệ như làm thủ tục hành khách tự động, thủ tục ký gửi hành lý tự động, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, sinh trắc học… đều được đưa vào lắp đặt tại Cảng HKQT Long Thành. 

Hiện nay, mặt bằng móng của hạng mục nhà ga sân bay đã hoàn thành, phía nhà thầu đã sẵn sàng đổ quân, đổ máy để thi công ngay sau khi được phát lệnh vào ngày 31.8 tới. Những khó khăn, vướng mắc lớn nhất là mặt bằng, công tác đấu thầu… đều đã vượt qua. Yếu tố khách quan là nguyên vật liệu xây dựng giai đoạn trước cũng có căng thẳng nhưng đến nay đã ổn định sau sự quyết liệt chỉ đạo giải quyết của Chính phủ. Tiến độ của công trình trong giai đoạn tới chỉ phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan là công tác quản lý dự án của ACV.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cảng HKQT Long Thành là dự án lớn nhất từ trước đến nay mà ACV làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư cao, phức tạp về mặt kỹ thuật, nhiều hạng mục phải kết nối từ xây dựng đến thiết bị, các hệ thống thông tin… Chính vì vậy, chủ đầu tư đã phải tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn ra đơn vị đứng đầu triển khai có năng lực kinh nghiệm cao, đồng thời thuê công ty tư vấn giám sát của Nhật Bản để đảm bảo bên cạnh đôn đốc, theo dõi tiến độ dự án, phải kiểm soát thật tốt về mặt chất lượng.

Bên cạnh đó, cùng lúc thi công Cảng HKQT Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất gồm các hạng mục: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước cũng được khởi công. Lần đầu tiên đồng loạt triển khai 2 công trình trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư rất lớn đặt ra thách thức không hề nhỏ cho phía chủ đầu tư về mặt nguồn lực và năng lực tổ chức, giám sát. ACV đã huy động nguồn lực lớn nhất và tốt nhất, xác định rõ khó khăn để quyết tâm vượt qua, đưa các dự án sớm về đích đúng kế hoạch.

Tác động đến cả vùng kinh tế Đông Nam bộ

Sân bay Long Thành còn được kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới, tạo ra "hệ kinh tế sân bay" cho khu vực như cách quy hoạch mà các sân bay quốc tế lớn trên thế giới đã và đang thực hiện. Từ đó, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV

Tăng tốc giao thông kết nối

Trước khi chính thức thi công hạng mục nhà ga, ngày 14.7, ACV đã phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức khởi công xây dựng công trình Hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 (T1) và tuyến số 2 (T2) của dự án thành phần 3. Tuyến chính số 1 dài 4,3 km với vận tốc thiết kế đạt 80 km/giờ, theo tiêu chuẩn đường chính đô thị được triển khai từ ranh phía tây của sân bay Long Thành đến QL51. Từ đó kết nối giao thông từ sân bay Long Thành đến khu vực TP.HCM và các tỉnh phía tây sân bay. 

Đây cũng là đường công vụ phục vụ vận chuyển máy móc, trang thiết bị chính cho công tác thi công xây dựng các hạng mục sắp triển khai của dự án, nên được ưu tiên làm trước. Tuyến chính số 2 dài 3,5 km với tiêu chuẩn đường cao tốc cùng vận tốc thiết kế đạt 100 km/giờ nằm trên tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Đây là tuyến đường rất quan trọng tạo thành hệ thống kết nối cho Cảng HKQT Long Thành.

Thực tế, ngay từ khi Bộ GTVT xin chủ trương thực hiện dự án Cảng HKQT Long Thành, hạ tầng giao thông kết nối đã là bài toán được đặt ra hàng đầu và đến nay cũng đang là thách thức rất lớn. Chủ một hãng hàng không của VN chia sẻ, các hãng rất mong đợi Cảng HKQT Long Thành hoàn thành để có thêm dư địa "thỏa sức" phát triển đội bay, mở mạng bay rộng khắp. Nhưng lo ngại lớn nhất là người dân từ TP.HCM sẽ di chuyển đến đó như thế nào, bởi nếu không kết nối tốt, các hãng bay cũng sẽ rất khó để san tải từ Tân Sơn Nhất sang Long Thành.

Theo dự báo của ACV, khi dự án Cảng HKQT Long Thành hoàn thành, có khoảng 80% lưu lượng hành khách quốc tế đi và đến sân bay có nhu cầu đến TP.HCM và ngược lại. Do vậy, phía chủ đầu tư nhận định việc hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối Cảng HKQT Long Thành với TP.HCM là rất cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh các tuyến giao thông kết nối từ sân bay đến TP.HCM đang quá tải nghiêm trọng. 

Trong đó, tuyến đường kết nối chính hiện nay là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, lượng phương tiện lưu thông đã vượt 25% so với năng lực thông hành của tuyến đường nhưng dự án mở rộng ì ạch vẫn chưa thể triển khai. Cao tốc Bến Lức - Long Thành nối thẳng miền Tây (từ H.Bến Lức, Long An) sang miền Đông Nam bộ (H.Long Thành, Đồng Nai), kết nối thẳng với Cảng HKQT Long Thành khởi công năm 2014, dự kiến thông xe những ki lô mét đầu tiên vào 2018 nhưng đến năm 2019 phải "treo cẩu" tới tháng 5 vừa rồi mới được tái khởi động. 

Chính phủ cùng Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo phía nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, đến 30.9.2025 phải thông xe dự án trước khi hoàn thành nhà ga Cảng HKQT Long Thành. Tương tự, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng vừa được khởi công ngày 18.6 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025 để kết nối các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành và các tuyến đường kết nối vào Cảng HKQT Long Thành để hình thành trục giao thông xương sống vùng Đông Nam bộ.

Ngoài đường bộ, đường sắt và metro cũng đang được nghiên cứu triệt để kết nối với sân bay lớn nhất cả nước. Trong báo cáo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM vừa gửi Bộ GTVT, đơn vị tư vấn đề xuất tuyến đường sắt dài khoảng 22 km kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (trong đó có đoạn đi ngầm hoặc đi cao) đến sân bay Long Thành. Trước đó, TP.HCM cũng nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt sân bay kết nối các nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm TP.HCM và Thủ Thiêm, đồng thời kết nối đến Cảng HKQT Long Thành theo đường sắt quốc gia Thủ Thiêm - Long Thành.

'Siêu' sân bay Long Thành tăng tốc - Ảnh 4.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

ACV

Khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Cũng trong ngày 31.8, ACV sẽ khởi công gói thầu thi công nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Lấy ý tưởng từ chiếc áo dài VN, nhà ga T3 được thiết kế có lớp mái cong mềm mại, trải dài từ ga đến vườn trung tâm của khu thương mại - văn phòng. Công trình có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2, bố trí 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay, 6 đảo xử lý hành lý đi, 10 đảo trả hành lý đến và 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. Sau khi hoàn thành vào năm 2025, nhà ga T3 với công suất thiết kế 20 triệu lượt hành khách/năm sẽ phục vụ khai thác nội địa để giảm tải cho nhà ga T1 Tân Sơn Nhất.

"Quả đấm thép" của ngành hàng không

Được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6.2015 nhưng Cảng HKQT Long Thành đã hiện diện trong Quyết định số 911 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc do cố Thủ tướng Phan Văn Khải ban hành ngày 24.10.1997. Quyết định này nêu "lập dự án đầu tư phát triển các sân bay Chu Lai, Long Thành, Cát Bi là sân bay nội địa đồng thời dự bị sân bay quốc tế". Hơn một thập niên sau, ngày 14.6.2011, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định phê duyệt quy hoạch dự án sân bay Long Thành, mục tiêu là cảng hàng không trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á.

Sau hơn 2 thập niên trắc trở, ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh việc chính thức khởi công nhà ga và đường băng là lời khẳng định rằng "quả đấm thép" của ngành hàng không, theo lời nhận định của các "bô lão" trong ngành, đã sắp nên hình nên dáng. Muốn một thị trường phát triển, đầu tiên là hạ tầng phải tốt. Sau khi có nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành quy hoạch phục vụ 50 triệu lượt hành khách, vẫn giữ vị trí là cảng hàng không lớn nhất của VN. 

Sân bay Long Thành trong giai đoạn đầu sẽ giữ vai trò "chia lửa" cùng Tân Sơn Nhất, giải tỏa ách tắc cả trên trời và dưới đất. Sau khi hoàn thiện quy hoạch đạt tới năng lực khai thác 100 triệu lượt khách/năm, Cảng HKQT Long Thành sẽ thay thế vị trí của Tân Sơn Nhất, trở thành cảng hàng không lớn nhất nước. Hai cụm cảng này chính là "vũ khí" đưa VN trở thành một trong những trung tâm hàng không của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không VN trên trường quốc tế.

'Siêu' sân bay Long Thành tăng tốc - Ảnh 6.

TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, khẳng định trong tương lai sau khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành sẽ tác động rất mạnh đến nền kinh tế, định hướng phát triển tầm quốc gia. Với định hướng phục vụ khách quốc tế cho toàn vùng chủ yếu dồn về Long Thành, cảng hàng không này sẽ là yếu tố quan trọng để vùng kinh tế phía nam nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhìn gần hơn, dự án kích hoạt sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông giai đoạn từ nay đến cuối năm, kích thích nhiều ngành dịch vụ, kinh tế, tạo sức bật cho kinh tế trong năm 2024.

Long Thành sẽ trở thành đô thị sân bay đẳng cấp quốc tế vào 2045

Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Long Thành (Đồng Nai) đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng góp ý, nêu định hướng: phát triển đô thị Long Thành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 thành đô thị sân bay hiện đại sinh thái đẳng cấp quốc tế, góp phần là một cực phát triển quan trọng của vùng TP.HCM... Về tính chất, đô thị Long Thành đến năm 2030 là đô thị loại 3. Đây sẽ là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh; trung tâm giáo dục - đào tạo nghiên cứu khoa học gắn với khu công nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ chất lượng cao, thương mại - tài chính chất lượng cao cấp vùng; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia; đầu mối giao lưu quan trọng có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng tỉnh Đồng Nai và của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng TP.HCM, vùng Đông Nam bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.