Siêu tàu sân bay tối tân của Mỹ đối diện cuộc kiểm tra khó nhất

Văn Khoa
Văn Khoa
13/03/2023 09:49 GMT+7

Áp lực ngày càng cao đối với thủy thủ đoàn của tàu sân bay mới và hiện đại nhất của Hải quân Mỹ là USS Gerald R. Ford.

Kể từ khi được đưa vào hoạt động vào năm 2017, Hải quân Mỹ đã dần loại bỏ các lỗi từ hơn 20 hệ thống mới trên tàu sân bay mới USS Gerald R. Ford (CVN-78).

Sau 5 năm gặp lỗi, khắc phục sự cố và sửa chữa, Không đoàn số 8, các tàu hộ tống của hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford và nhóm tác chiến tàu sân bay 12 (CSG 12) sẽ bắt đầu chuyến hải hành trên khắp thế giới lần đầu tiên, gia nhập Hải quân Mỹ một cách nghiêm túc với tư cách là một tàu chiến hoạt động thật sự.

Tàu sân bay mới nhất của Mỹ đối mặt cuộc kiểm tra khó nhất - Ảnh 1.

Tàu sân bay Mỹ USS Gerald R. Ford

Chụp từ video của USNI News

Tuy nhiên, trước khi được triển khai, thủy thủ đoàn 2.700 người của tàu USS Gerald R. Ford, 1.500 thành viên của Không đoàn số 8 và 5 tàu nổi sẽ phải đối mặt với một thách thức khó khăn hơn cả sự chỉ trích của Quốc hội, theo chuyên trang USNI News ngày 11.3.

Cách đây hơn một tuần, tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã rời căn cứ Hải quân Norfolk ở bang Virginia để tham gia cuộc tập trận đơn vị huấn luyện tổng hợp (COMPTUEX). Cuộc tập trận phức tạp này là rào cản cuối cùng trước khi đơn vị được "chứng nhận cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc gia" hoặc có thể được triển khai khắp thế giới theo chỉ đạo của tổng thống thông qua bộ trưởng quốc phòng.

COMPTUEX sẽ là chuyến hành trình đầu tiên của tàu sân bay USS Gerald R. Ford với một không đoàn đầy đủ có khoảng 80 máy bay, gồm 4 phi đội Super Hornet, 1 phi đội tấn công điện tử, 1 phi đội cảnh báo sớm trên không và 2 đội trực thăng.

Tàu sân bay mới nhất của Mỹ đối mặt cuộc kiểm tra khó nhất - Ảnh 2.

Một chiếc F/A-18E Super Hornet hạ cánh trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford ngày 2.3.2023

USNI News

Tuy đã trải qua các cuộc thử nghiệm về hệ thống, huấn luyện, nâng cao trình độ phi công và tập trận quốc tế, tàu sân bay USS Gerald R. Ford vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện cuộc triển khai của nhóm tác chiến tàu sân bay kéo dài 7 tháng, được cho là đội hình quan trọng nhất và theo yêu cầu mà Hải quân Mỹ đưa ra, theo USNI News.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trị giá 13,3 tỉ USD dự kiến được triển khai vào năm 2018 nhưng đã bị trì hoãn do các sự cố kỹ thuật liên quan hệ thống phóng, hệ thống năng lượng…

USS Gerald R. Ford đã kết thúc tình trạng có mặt kéo dài 6 tháng ở xưởng đóng tàu Newport News vào ngày 1.3.2022, sau khi vượt qua ba vụ nổ lớn ngoài khơi bờ biển bang Florida để kiểm tra thân và các hệ thống của tàu.

Siêu tàu sân bay Mỹ đang đến châu Âu giữa căng thẳng vì xung đột Ukraine

Trong tháng tới, Nhóm tác chiến tàu sân bay số 4 sẽ điều hành CSG 12 qua ba giai đoạn của cuộc tập trận "tốt nghiệp". Các bài kiểm tra ngày càng khó của cuộc tập trận mô phỏng những mối đe dọa khó khăn nhất mà nhóm tác chiến tàu sân bay có thể đối mặt.

Hải Quân Mỹ không tiết lộ tàu USS Gerald R. Ford sẽ đi đâu. Tuy nhiên, theo USNI News, sau COMPTUEX, hàng không mẫu hạm mới có thể sẽ được triển khai tới Địa Trung Hải sau chuyến rời khỏi khu vực theo kế hoạch của tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN-77).

Tàu sân bay USS George H.W. Bush và USS Harry S. Truman (CVN-75) đã dành phần lớn thời gian trong khu vực để thực hiện các hoạt động hiện diện dọc theo sườn phía đông của NATO, hoạt động cùng các đồng minh trong khi di chuyển trong vùng biển có nhiều tàu nổi và tàu ngầm của Nga, theo USNI News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.