Báo mạng Washington Free Beacon dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc thạo tin cho biết lực lượng tình báo Mỹ đã phát hiện vụ thử phương tiện được gọi là Hệ thống đa nhiệm đại dương Status-6 trong đợt phóng từ tàu ngầm lớp Sarov vào ngày 27.11 vừa qua.
Tuy nhiên thông tin chi tiết về địa điểm và kết quả thử nghiệm không được tiết lộ. “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ các bước phát triển quân sự dưới nước của Nga nhưng không bình luận cụ thể về chúng”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết.
Sức hủy diệt đáng gờm
Thông tin về vũ khí trên được Washington Free Beacon tiết lộ lần đầu tiên vào cuối năm 2015 và sau đó được quân đội Nga xác nhận. Giới lãnh đạo tại Moscow cho biết thêm chương trình bí mật này đã vô tình bị tiết lộ. Hệ thống do Phòng thiết kế TsKB MT Rubin ở St. Petersburg thiết kế. Đây cũng là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế tất cả các tàu ngầm của Nga.
Theo một tài liệu rò rỉ trên truyền hình nhà nước Nga, Status-6 được cho là có tầm hoạt động gần 10.000 km, vận tốc tối đa hơn 100 km/giờ và lặn sâu gần 1 km.
Status-6 được thiết kế để tấn công các thành phố, bến cảng, nhà máy đóng tàu hay căn cứ hải quân ven biển. Theo tình báo Mỹ, vũ khí này sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân lớn có sức công phá được tính bằng megaton, tương đương hàng triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh nhất trong các vũ khí cùng loại trên thế giới.
Trang tin Popular Mechanics dẫn lời các chuyên gia đánh giá một khi phát nổ, Status-6 có thể gây ra thiệt hại khủng khiếp, thậm chí tạo ra sóng thần, đe dọa các công trình bên trong đất liền.
Tài liệu trên được tiết lộ trong cuộc họp của Tổng thống Vladimir Putin với các tướng lĩnh cùng ngành công nghiệp quốc phòng tại thành phố nghỉ mát Sochi. Tại cuộc họp, chủ nhân Điện Kremlin đã phát biểu rằng Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể xuyên thủng bất cứ hàng rào phòng thủ tên lửa nào của thế giới. Sau khi phát sóng ngày 10.11.2015, chỉ một thời gian ngắn cả 2 kênh truyền hình NTV và Channel 1 đều gỡ đoạn phim quay buổi họp nói trên khỏi website, nhưng đoạn phim này cùng hình ảnh cuộc họp trước đó đã được cộng đồng mạng ở Nga chia sẻ rộng rãi.
tin liên quan
Tàu ngầm 'biến hình' của NgaNga đang chế tạo một loại robot hoạt động dưới nước có thể mô phỏng được tính năng của tàu ngầm hạt nhân lẫn tàu ngầm thông thường.
Lo ngại của Mỹ
Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng vụ rò rỉ hồi năm 2015 là “do chính Moscow làm đạo diễn” nhằm phản ứng việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Tuy nhiên từ chỗ nghi ngờ độ xác thực của thông tin này, Washington đã thay đổi thái độ sau khi biết tin Nga thử nghiệm Status-6 hồi tháng trước.
Washington Free Beacon dẫn lời ông Mark Schneider, cựu quan chức Lầu Năm Góc, nhận định vụ thử của Nga đã “đặt ra mối đe dọa chiến lược mới” cho Mỹ. “Status-6 là chương trình vũ khí đáng sợ nhất mà các chuyên gia Nga nghĩ ra”, ông Schneider nói và chỉ ra rằng báo Rossiyskaya Gazeta của Nga từng loan tin vũ khí mới có thể sử dụng bom cobalt, loại vũ khí hạt nhân phát tán lượng phóng xạ gấp nhiều lần đầu đạn hạt nhân thông thường.
Tương tự, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ Robert Kehler cảnh báo việc chế tạo phương tiện tấn công hạt nhân dưới nước là một thành tố trong nỗ lực tăng cường vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga, có thể “gây phiền toái” cho phương Tây. Nói về khả năng tấn công của Status-6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định hệ thống tên lửa phòng thủ quốc gia (NMD) sẽ không thể cứu được Mỹ nếu vũ khí này được phóng đi.
Nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Nga trong những năm gần đây đã khiến giới lãnh đạo quân sự Mỹ trong tình trạng báo động. Phản ứng này một phần xuất phát từ học thuyết an ninh mới của Moscow tăng cường dựa vào lực lượng hạt nhân trong trường hợp xung đột.
Học thuyết mới cho thấy Nga sẽ nhanh chóng dùng đến vũ khí hạt nhân để bù đắp cho các lực lượng truyền thống đã già cỗi và lỗi thời. Ngoài Status-6, chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Moscow cũng bao gồm một lớp tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân mới, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, 2 loại tên lửa liên lục địa phóng từ đất liền, một loại oanh tạc cơ tầm xa và một đoàn tàu tên lửa mới.
Hiện hải quân Mỹ đang phát triển những phương tiện không người lái dưới nước hiện đại nhưng không có khí tài nào trong số này mang vũ khí hạt nhân.
|
tin liên quan
Vụ đụng độ bí ẩn giữa tàu ngầm Anh - PhápHai tàu ngầm của Anh và Pháp đã va chạm giữa lòng Đại Tây Dương trong một tai nạn bí ẩn khi đang chở theo hàng chục tên lửa hạt nhân.
Bình luận (0)