Hàng loạt động thái của cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra từ cuối 2016 đến nay như siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước, thu hồi sim điện thoại kích hoạt sẵn, yêu cầu các công ty viễn thông cam kết cùng nhau chặn tin nhắn rác để tránh tình trạng nhà mạng này “đổ rác” sang nhà mạng khác.
Đặc biệt sim kích hoạt sẵn hay sim “rác” đã được chỉ đích danh là nguyên nhân chính khiến tin nhắn, cuộc gọi rác phát tán mạnh. Thế nhưng dù đã thu hồi được hơn 24 triệu sim “rác” thì tình trạng nói trên vẫn tiếp tục diễn ra.
Đáng chú ý, hôm qua 29.8, tại một số cửa hàng bán điện thoại, sim, thẻ cào tại các tuyến đường ở TP.HCM như Nguyễn Phúc Nguyên (Q.3), 3 Tháng 2 (Q.10)..., việc mua sim đã kích hoạt sẵn vẫn khá dễ dàng. Chúng tôi được chủ cửa hàng thông báo có đủ sim của các nhà mạng với giá thông thường là 100.000 đồng (cao gần gấp đôi giá sim chưa kích hoạt).
Riêng sim Vietnammobile có giá rẻ hơn 50.000 đồng thì có sẵn 20.000 đồng trong tài khoản (cao hơn 10.000 đồng so với giá 40.000 đồng tại cửa hàng chính thức của nhà mạng này). Chỉ cần gỡ sim, bỏ vô điện thoại là chúng tôi đã gọi và nhắn tin được ngay mà không cần chụp ảnh chân dung, số CMND chính chủ... như quy định.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, nhận định: các nhà mạng đều nói chỉ khi nhận được phản ánh của khách hàng mới có cơ sở để xử lý. Thế nhưng kết quả xử lý như thế nào thì người tiêu dùng không được biết.
Hầu như chưa thấy những đơn vị và cá nhân vi phạm bị phạt hành chính. Vì vậy, họ không ngần ngại để tiếp tục việc gửi bom tin nhắn, gọi điện quảng cáo là dễ hiểu. Hay như cắt số điện thoại này thì họ sẽ đăng ký số điện thoại khác mà cũng không hề gặp khó khăn gì. Đó là chưa kể bản thân các nhà mạng một mặt đều nói tuân thủ quy định, sẵn sàng thực hiện biện pháp ngăn chặn tin rác; nhưng mặt khác vì lợi ích của chính mình vẫn bỏ lơ, thậm chí bản thân nhà mạng cũng liên tục gửi tin cho khách hàng. “Nếu tin nhắn quảng cáo từ nhà mạng mà không phải tin rác thì các ngân hàng gửi tin khuyến mãi, tin thay đổi lãi suất về mặt nào đó cũng sẽ có một số người quan tâm thì có liệt vào dạng tin rác hay không? Cần có quy định rõ ràng hơn và buộc nhà mạng phải mạnh tay ngăn chặn các hành vi này. Nếu chỉ ngưng dịch vụ cho các khách hàng vi phạm là chưa đủ mà cần có thêm xử phạt hành chính. Thậm chí bổ sung quy định có điều kiện để đăng ký lại số điện thoại mới cho những khách hàng đã từng vi phạm trong hoạt động này như thời gian được đăng ký lại, số lượng sim điện thoại được sử dụng... Chúng ta không hy vọng sẽ ngăn chặn được hoàn toàn 100% vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác nhưng vẫn phải làm thì mới chặn được 30 hay 40%. Nếu không thì tình trạng này sẽ diễn ra mãi và người dùng cứ phải gồng mình gánh chịu”, luật sư Đức phân tích.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, quyền lợi của nhà mạng gắn với tin nhắn được gửi đi. Tương tự, chỉ cần phát sinh cuộc gọi di động là nhà mạng “bỏ túi” mỗi phút bình quân gần 1.000 đồng nên rõ ràng các công ty này sẽ không quyết liệt ngăn chặn.
|
Bình luận (0)