(TNO) Nổi tiếng là lên kế hoạch rất tốt, tổ chức mọi thứ rất tài, người Singpore một lần nữa thể hiện đẳng cấp ngay cả trong giờ phút đau thương nhất: tiễn biệt ông Lý Quang Diệu.
Một hành khách đi ngang qua tấm hình được treo tại một nhà ga ở Singapore - Ảnh: Reuters
|
Chỉ vài giờ sau khi ông Lý Quang Diệu ra đi (vào lúc giữa đêm), chính phủ đã công bố kế hoạch sắp xếp giao thông cho tang lễ. Các trung tâm cộng đồng trên khắp đất nước bắt đầu các cuộc triển lãm ảnh nhà cựu lãnh đạo nổi tiếng.
Rất nhanh chóng, các bảng chia buồn được dựng lên bên ngoài tòa nhà quốc hội và dinh thủ tướng để công chúng đến ghi lời chia buồn lên những tấm thiệp cùng quy cách, gắn lên các tấm bảng này. Cuối mỗi ngày, chính phủ đều công bố số lượng thiệp đã được phát ra cho công chúng tại hai điểm kể trên: 12.350 vào thứ hai, tăng lên thành 21.000 vào thứ ba…
“Mọi thứ được tổ chức rất có hệ thống”, một người dân tên Lina Wee nhận xét sau khi đến dinh thủ tướng. Và đó cũng chính là một trong những tài sản tuyệt vời mà ông Lý Quang Diệu đã để lại cho đất nước này.
Là thủ tướng đầu tiên của Singapore (1959-1990), ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore “từ thế giới thứ 3” lên “thế giới thứ nhất”, trở thành một quốc gia trật tự, ngăn nắp, cực kỳ có kỷ luật và hệ thống.
Vừa mới đặt chân đến đất nước Singapore lần đầu tiên, mọi người đã cảm nhận được ngay khả năng tổ chức hợp lý, hiệu quả của người Singapore. Sân bay quốc gia Changi thường xuyên được bình chọn là tốt nhất thế giới nhờ hệ thống dịch vụ được sắp xếp cực kỳ hiệu quả. Hệ thống giao thông công cộng cũng thuộc loại đẳng cấp trên thế giới.
Hàng người dù có dài đến đâu cũng đều trật tự, có tố chức - Ảnh: Reuters
|
Quay lại với việc tổ chức tang lễ, màn hình tại các nhà ga điện ngầm và các tấm biển trên xe buýt đều ghi dòng chữ “Tưởng nhớ Lý Quang Diệu 1923-2015”.
Nhiều tuyến xe buýt miễn phí nhanh chóng được triển khai để chở người dân tới nhiều địa điểm tưởng nhớ khác nhau tại các trung tâm cộng đồng.
Nhiều hoạt động khác cũng nhanh chóng được triển khai, chẳng hạn Bảo tàng Quốc gia Singapore mở triển lãm tưởng niệm ông Lý Quang Diệu từ ngày 25.3, tức 2 ngày sau khi ông qua đời.
Dòng người đến viếng linh cữu nhà cựu lãnh đạo rất đông, nhưng diễn ra trong trật tự, an toàn. Những người xếp hàng được phát nước và được cập nhật thường xuyên về lượng thời gian ước tính phải chờ tới lượt.
Công tác tổ chức chu đáo, ngăn nắp đến độ một số người cảm giác nó quá “lộ”. Felicia Wong, một sinh viên 20 tuổi phát biểu: “Cứ như thể họ đã lên kế hoạch sẵn hết cả rồi, chỉ đợi đến lúc để triển khai mà thôi”.
Bình luận (0)