Dự thảo luật nói trên đã định nghĩa rộng hơn về khái niệm “đánh bạc” (gambling), định nghĩa thuật ngữ “trò chơi may rủi” (hay “trò chơi dựa vào sự ngẫu nhiên” – game of chance) và “vật thay tiền” (tạm dịch từ money’s worth), điều này sẽ khiến không ít nhà phát hành game gặp rắc rối với những tính năng mang tính may rủi trong sản phẩm của họ.
Tính năng "mở hộp nhận quà" (gashapon, gacha, lucky draw, v.v.) là một cách thức tiền tệ hóa rất phổ biến trong nhiều game miễn phí ngày nay, cho phép người chơi trao đổi tiền ảo lấy những vật phẩm quý giá hay card trong game. Công ty luật Stamford Law của Singapore đã phân tích những nhân tố đáng báo động nhất của dự thảo luật này đối với các thành viên của ngành công nghiệp game Singapore.
(Ảnh: Ninjasaga)
Theo đó, “đánh bạc” được dự thảo luật này định nghĩa là “chơi các trò chơi may rủi để lấy tiền hoặc các vật thay tiền khác”. Thuật ngữ “trò chơi may rủi” được định nghĩa là bất cứ trò chơi nào có liên quan đến cả hai yếu tố là sự ngẫu nhiên và kỹ năng của người chơi, theo đó hầu hết những game freemium (miễn phí) hiện nay với tính năng gasha (hộp quà may mắn, quay số, v.v.) đều rơi vào định nghĩa này. Ngược lại, “vật thay tiền” được định nghĩa là những vật ảo như xu, vật phẩm, credit, hoặc những thứ tương tự được mua bán trong game, là một phần của game, hoặc có quan hệ với game – một lần nữa, hầu hết tiền trong game (in-app purchase) đều thuộc loại này.
Điều này, theo như Stamford Law, có nghĩa là sẽ “cấm những hình thức game freemium mà trong đó tiền tệ được lưu thông thông qua các hình thức mua vật phẩm trong game (in-app purchase)”, và không quy định rõ nguồn bán các vật phẩm ảo này. Do đó, cả nhà phát triển game - người bán các in-app purchase, và người chơi game - người mua các in-app purchase này, đều có thể bị liên lụy.
Dự thảo luật này sẽ có phiên họp thứ hai vào ngày 7.10. Nhưng nếu như vẫn không có hành động nào được thực hiện để thu hẹp lại các định nghĩa trên thì ngành công nghiệp game ở Singapore sẽ gặp phải một cản trở vô cùng to lớn. Một báo cáo từ công ty luật hàng đầu Singapore Rajah & Tann trên website tin tức pháp luật Singapore Law Watch đã tiết lộ rằng thậm chí cả các nhà phát triển game nước ngoài phát hành game có các yếu tố gasha trên thị trường nước này cũng sẽ chịu chung số phận tương tự. Chưa hết, các studio đặt trụ sở tại Singapore phát hành game freemium có yếu tố gasha ra thị trường nước ngoài cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm.
Thậm chí, nội dung hiện tại của dự luật khó hiểu này còn cho phép sĩ quan, công chức và nhân viên của Cơ quan quản lý truyền thông Singapore được quyền xâm nhập không cần thông báo vào các studio, văn phòng của các nhà phát triển game “bị nghi ngờ chính đáng” về việc vi phạm luật này.
Bình luận (0)