Tình trạng bỏ trống tại khu vực đường Orchard, thỏi nam châm từng thu hút du khách bởi nhiều trung tâm mua sắm lớn và cửa hàng Nhật Bản như Takashimaya, vừa lên đến mức cao nhất trong 5 năm qua. Khắp đảo quốc sư tử, tình trạng này đang ở mức cao nhất kể từ năm 2009.
Bloomberg cho hay khi nền kinh tế khu vực này chật vật với mức tăng trưởng chậm chạp và người tiêu dùng thì hạn chế chi tiêu, các nhà môi giới bất động sản đang kỳ vọng những nhà bán lẻ giảm quy mô và đóng cửa hàng. Giá thuê ở Singapore giảm từ mức cao nhất hồi năm 2014 song vẫn chưa hạ đủ để thuyết phục một số thương hiệu ở lại.
Dưới đây là năm lý do vì sao Singapore không thể mong đợi danh hiệu “thiên đường mua sắm” của họ phục hồi sớm.
Sự am hiểu công nghệ
Người dân Singapore là một trong số các nhóm khách mua hàng am hiểu công nghệ nhất châu Á. Tỷ lệ người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trên mạng lớn hơn so với ở Hồng Kông và Malaysia.
“Bán lẻ đang thay đổi vì thương mại điện tử và các trung tâm mua sắm cần định vị lại mình để tiến về tương lai”, giám đốc điều hành John Lim của hãng RA Asset Management - hãng sở hữu các trung tâm thương mại ở Singapore, Hồng Kông và Malaysia - nói. Các trung tâm mua sắm cần được sửa sang lại, tập trung hơn vào các cửa hàng thực phẩm và đồ uống, khu giải trí, dịch vụ, ngân hàng và giảm các khu thời trang, sản phẩm tiêu dùng.
Nhiều cửa hàng đóng cửa
Một số nhà bán lẻ lớn nhất đang chạy trốn. Al-Futtaim Grou, nhà phân phối sản phẩm của các thương hiệu danh tiếng như Marks & Spencer và Zara tại Singapore, có kế hoạch đóng ít nhất 10 cửa hàng trong năm nay, giữa lúc hãng đang mở rộng dấu ấn tại các thị trường rẻ hơn ở châu Á như Malaysia và Indonesia.
Thương hiệu thời trang Anh New Look và chuỗi cửa hàng thời trang nam Celio cũng sẽ đóng nhiều cửa hàng trong nửa cuối năm nay. Nhà môi giới bất động sản Cushman & Wakefield cho hay nhiều thương hiệu khác cũng sẽ làm tương tự.
“Sau khi xem xét kỹ lưỡng, chúng tôi cho rằng Singapore không có tiềm năng là một trong những thị trường trọng điểm của chúng tôi”, hãng New Look trả lời thư điện tử của Bloomberg. Cửa hàng New Look cuối cùng ở Singapore sẽ đóng cửa vào ngày 30.6.
Người Trung Quốc dè dặt hơn
Tương tự Hồng Kông, Singapore chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Ngày càng ít du khách mua hàng xa xỉ đến từ Đại lục và nhìn chung, du khách chi tiêu ít hơn so với số tiền họ từng bỏ ra trong quá khứ.
“Du khách Trung Quốc đến Singapore giờ tìm kiếm trải nghiệm chứ không phải là hàng hóa. Trong thời đại ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy cùng một thương hiệu ở bất cứ đâu. Sự khác biệt là thành phần cốt yếu cho môi trường bán lẻ thành công song thật tiếc, Singapore thiếu điều này”, giám đốc nghiên cứu Christine Li của hãng Cushman & Wakefield nhận định.
Khó khăn kinh tế
Người tiêu dùng tiếp tục e dè. Tháng 3 vừa qua là tháng giá cả tiêu dùng ở Singapore giảm lần thứ 17 liên tiếp. Đây là đợt giảm giá tiêu dùng dài kỷ lục ở đảo quốc này, phản ánh tác động của giá dầu thấp và một nền kinh tế suy yếu. Nếu những yếu tố tiêu cực của nền kinh tế tiếp tục hiện hữu và người tiêu dùng không ngừng cắt giảm chi tiêu, giá thuê tại các trung tâm mua sắm chính có thể giảm đến 5% trong năm nay, theo hãng Colliers International.
Nguồn cung tăng
Nguồn cung trung tâm mua sắm tăng lên sẽ đặt thêm áp lực lên giá thuê, nâng cao tỷ lệ trống ở các trung tâm thương mại Singapore. Dữ liệu từ hãng Cushman & Wakefield cho biết nước này sẽ thêm gần 4 triệu mét vuông không gian bán lẻ trong ba năm tới.
tin liên quan
Singapore vượt Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giớiĐây là kết quả khảo sát mới công bố của hãng nghiên cứu Z/Yen Group có trụ sở ở London, Anh.
Bình luận (0)